Đã là lúc bàn chuyện mở rộng?
Nhiều chuyên gia cho rằng việc thống nhất 3 quận của TPHCM (quận 2, 9, Thủ Đức) thành lập Thành phố khu Đông với các cơ chế phát triển đặc thù, riêng biệt sẽ là động lực phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn và là cơ hội rất lớn về công ăn việc làm, về nhu cầu nhà ở cũng như thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Các ý tưởng đưa ra đều sẽ có lợi ích, tuy nhiên các ý tưởng đó cần có đích đến rõ ràng và vì quyền lợi chung.
Trao đổi với báo chí về vấn đề quy hoạch thành phố mới, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã từng đưa ra cảnh báo về việc Khu Đông TPHCM đang quy hoạch vụn vặt, nhiều dự án con. Nếu chỉ bó hẹp quy hoạch trong khu Đông, không phủ sang bờ bên kia sông phía tây (khu vực Quận 1, một phần Quận Bình Thạnh và một phần Quận 4) sẽ không thể phát triển Thủ Thiêm, giảm sức hút đối với các nhà đầu tư, dẫn đến việc thực hiện bế tắc hoặc không hiệu quả. Cần phải có một bản quy hoạch duy nhất, cả phía tây và phía đông thành phố, không cắt ra.
Trong khi đó dưới góc nhìn của một nhà phát triển dự án bất động sản, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho rằng hiện tại nên tập trung nguồn lực cho việc sáp nhập 3 quận của TPHCM trước. Việc mở rộng ra khu vực lân cận có thể sẽ tính đến trong tương lai. Bởi sự tương đồng về mặt quy mô và các yếu tố nền tảng còn phải xem xét trong quá trình sáp nhập. Cần xác định vai trò như thế nào trong tổng thể chiến lược khu Đông để xem xét về sự cần thiết hay không trong giai đoạn này.
Đón đầu “ý tưởng”, đất bắt đầu sốt
Vùng đất Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) lâu nay đã có không ít lần trải qua những cơn sốt đất chỉ vì những thông tin về ý tưởng quy hoạch. Đơn cử là câu chuyện cây cầu Cát Lái, nối hai bờ giữa quận 2 (TPHCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã làm dậy sóng thị trường hai khu vực này suốt nhiều năm qua.
Bất động sản khu vực Nhơn Trạch tính ra đã sốt từ cách đây hơn 10 năm, thời điểm có thông tin xây dựng sân bay Long Thành. Nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ xô về mua đất. Đến nay, sân bay chưa xây, hạ tầng giao thông không có thay đổi đáng kể khiến thị trường lại đứng im thời gian dài. Đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thi công cầu Cát Lái nhưng dọc các tuyến đường, sàn giao dịch vẫn mọc lên như nấm và thông tin về cầu mới vẫn là lý do để "cò" đất đẩy giá.
Với giới đầu tư bất động sản, vùng đất này luôn là vùng nhạy cảm với các thông tin. Ngay cả việc mới đây, chính quyền địa phương tiến hành trả tiền thu hồi đất cho khoảng gần 20 hộ dân trong dự án sân bay Long Thành thôi, mà các dự án bất động sản ở khu vực này đã sử dụng thông tin đó làm nóng thị trường với những chỉ báo về việc dòng tiền này sẽ chỉ đổ mạnh vào đất đai và lại một cơn sốt đất khác lại xuất hiện.
Khảo sát hiện tại giá đất tại khu vực các xã thuộc huyện Long Thành..., bất động sản ở đây đã thiết lập mặt bằng giá mới. Đơn cử, giá một lô đất tọa lạc gần chợ mới Long Thành dao động ở mức 100 triệu đồng/m2, những lô nằm gần Quốc lộ 51 được bán với giá tăng đầu năm khoảng 20-30% ở mức khoảng 27 - 35 triệu đồng/m2.
Theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành, Đồng Nai vẫn được đánh giá là “thỏi nam châm” thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong thời gian tới do cộng hưởng từ hàng loạt dự án hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông sắp được triển khai và hoàn thành. Chỉ cần một trong những công trình này được khởi công, thị trường nơi đây sẽ lập tức bùng nổ. Do đó, Đồng Nai trở thành trọng điểm thu hút đối với các nhà đầu tư bất động sản là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, sau những cơn sốt đất ảo gần đây thì cần phải có sự can thiệp kịp thời của chính quyền địa phương, đặc biệt thông tin quy hoạch phải rõ ràng. Những thông tin về huyện lên quận hay xây dựng hạ tầng giao thông, sân bay, dự án phát triển kinh tế… phải được minh bạch, chính xác và có lộ trình rõ ràng để người dân dễ dàng nắm được. Ngoài ra, chính quyền cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để ngăn chặn giới đầu nậu, cò đất lợi dụng thực hiện tách thửa, phân lô, bán nền tràn lan. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn tới sốt giá ảo đất nền.