Về Khu liên cơ nhưng không muốn trả "đất vàng"
Vì các sở ngành nằm rải rác tại nhiều vị trí khác nhau, không thuận tiện cho công tác quản lý, điều hành, gây khó khăn lớn trong cải cách thủ tục hành chính và bất tiện với cho người dân, tháng 8.2014 Hà Nội đã cho nghiên cứu để đầu tư xây dựng một khu liên cơ bài bản tại Khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng.
Đầu tháng 4.2018, UBND Thành phố có Quyết định số 1571/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên Hà Nội (công trình phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật) tại Xuân La - Tây Hồ thành Khu liên cơ Võ Chí Công.
Theo đó mục tiêu đầu tư là để phục vụ cho công tác nghiên cứu phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ đồng thời đáp ứng yêu cầu văn phòng hiện đại để bố trí trụ sở làm việc của 8 sở, ngành thuộc UBND Thành phố bao gồm:
Sở Giao thông - Vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Quy hoạch Kiến trúc, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội".
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, từ ngày 20.7.2020 đến 15.8.2020, hầu hết các Sở đã hoàn thành việc di chuyển trụ sở và chính thức làm việc tại Khu liên cơ.
Tuy nhiên, sau khi về "nhà mới" khang trang, nhiều đơn vị vẫn đề xuất được giữ lại trụ sở cũ thay vì trả lại cho thành phố để triển khai công trình công cộng như mong đợi của người dân.
Cụ thể, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội xin giữ lại trụ sở cũ để tạo điều kiện hoạt động cho một số đơn vị trực thuộc; Sở Khoa học & Công nghệ xin phương án cải tạo để một số trung tâm trực thuộc Sở chuyển về đây hoạt động...
Khó hiểu lý do xin rời Khu liên cơ
Theo tìm hiểu của PV Lao Động, chỉ sau nửa năm chuyển về Khu liên cơ, một số đơn vị không còn mặn mà sử dụng dự án hiện đại với số vốn đầu tư cả nghìn tỉ đồng của thành phố. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị được tiếp tục sử dụng trụ sở chính tại địa điểm số 18 Huỳnh Thúc Kháng và Sở Quy hoạch Kiến trúc được tiếp tục sử dụng trụ sở chính tại 31b Tràng Thi.
Cụ thể, ngày 24.3.2021, Sở Tài nguyên và Môi trường có Văn bản số 1936/STNMT VP kiến nghị: “... để đảm bảo công việc của Sở Tài nguyên và Môi trường sớm được đi vào ổn định, thống nhất, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và công tác tiếp công dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở Xây dựng tổng hợp, thống nhất có văn bản khẳng định báo cáo UBND Thành phố để được xem xét báo cáo Thường trực Thành ủy thống nhất, chấp thuận cho Sở Tài nguyên và Môi trường được tiếp tục sử dụng trụ sở chính tại địa điểm số 18 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa".
Cùng ngày, Sở Quy hoạch Kiến trúc có Văn bản số 1083/QHKT-VP báo cáo việc đã di chuyển các bộ phận chuyên môn và hoạt động ổn định tại số 31b Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm:
“... Để tránh lãng phí diện tích làm việc tại Khu liên cơ Võ Chí Công, Sở Quy hoạch Kiến trúc đề nghị Sở Xây dụng tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố, Thường trực Thành ủy xem xét chấp thuận cho phép Sở Quy hoạch Kiến trúc được tiếp tục sử dụng trụ sở chính tại 31b Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm để các phòng, ban, đơn vị của Sở được tập trung, sắp xếp ổn định hoạt động phù hợp với tổ chức bộ máy của Sở".
Lý do Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Quy hoạch Kiến trúc đưa để xin "dứt áo ra đi" được nhiều người đánh giá là mâu thuẫn với mục đích TP Hà Nội xây dựng và vận hành Khu liên cơ. Việc hai sở này muốn "bỏ rơi" Khu liên cơ nghìn tỉ để về trụ sở cũ cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước.
Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã giao Sở Tài chính, Sở Xây dựng tổng hợp ý kiến các sở, ngành để sắp xếp nơi làm việc cho phù hợp.
Sở Nội vụ đang tiến hành thi tuyển công chức, sau đó sẽ có báo cáo số lượng công chức điều chỉnh tại các sở, ngành. Căn cứ vào đó, các sở liên quan sẽ có thống kê, phân chia lại diện tích làm việc cho phù hợp, báo cáo UBND thành phố.