Kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Chiều 4.6, tại họp báo Chính phủ, báo chí đặt câu hỏi: Thời gian qua, có nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng nếu siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản sẽ gây ra những tác động lớn đến thị trường. Xin cho biết định hướng phát triển thị trường và vốn ở lĩnh vực này như thế nào?
Trả lời nội dung này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết gần đây có một số phương tiện thông tin đại chúng và một số chuyên gia hay dùng từ "siết tín dụng" bất động sản. Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ phát ngôn hay có văn bản nào sử dụng từ "siết tín dụng" đối với lĩnh vực nói trên.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay là kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán…
"Đối với lĩnh vực bất động sản, những đối tượng cần kiểm soát chặt là tín dụng là ở những dự án lớn, xây dựng những khu resort, khu nghỉ dưỡng và những dự án có tính chất đầu cơ, tính chất lũng đoạn giá" - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh tinh thần này sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện trong suốt năm 2022 và những năm tiếp theo.
Cũng theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tín dụng vào những lĩnh vực cần tạo điều kiện thuận lợi ví dụ như phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội hay nhà ở cho công nhân...
Ông Tú cho biết, trong Nghị định 31 vừa qua và Thông tư 03 có hướng dẫn hỗ trợ 2% lãi suất cho tất cả các đối tượng thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, hoặc cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng đề xuất. Điều này cho thấy không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt chẽ.
Theo ông Tú, bất động sản trong thời gian gần đây có tăng trưởng nhưng ở mức bình thường, đến giữa tháng 4.2022, tín dụng bất động sản tăng và đạt dư nợ là 2 triệu 288 nghìn tỉ đồng, mức tăng đạt 10,19% so với cuối năm 2021.
Tổng dư nợ của tín dụng bất động sản chiếm 19,16% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong đó tổng dư nợ của tín dụng bất động sản bị kiểm soát chặt chiếm 1/3. Tín dụng tạo điều kiện chiếm 2/3 tổng dư nợ tín dụng bất động sản.
"Điều này chứng tỏ rằng không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị siết chặt tín dụng và không có nghĩa rằng nguồn cung bất động sản bị thiếu do bị siết tín dụng," Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Quy trình đầu tư công làm từng bước, không thể làm tắt
Trao đổi về tiến độ giải ngân chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Tổng thể chương trình 347 nghìn tỉ thuộc tất cả các chương trình, hoạt động khác nhau, trong đó có 46 nghìn tỉ chương trình vaccine.
Như vậy, số tiền còn lại là 301 nghìn tỉ, đã giải ngân được 22 nghìn tỉ thuộc tất cả các hoạt động khác nhau.
Liên quan tới phần 113 nghìn tỉ thuộc phần đầu tư công, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, với số tiền như vậy được thực hiện tương tự kế hoạch đầu tư công, thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật, qua từng bước một.
Hiện nay đã thực hiện xong bước đầu tiên là Thủ tướng Chính phủ thông báo với các bộ, ngành, địa phương liên quan danh mục dự án với số tiền cụ thể để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư. Bộ KH&ĐT đã có công văn hướng dẫn đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt các chủ trương đầu tư này trong thời gian sớm nhất để Bộ KH&ĐT tổng hợp.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, quy trình trong đầu tư công phải làm "từng bước, không thể làm tắt được", nếu không sẽ vi phạm quy định pháp luật, "hết sức cấm kỵ" trong Luật Đầu tư công.