Quy hoạch bất cập - chỗ cần không có, chỗ có không cần
Làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Giang được 5 năm, anh Nông Văn Thanh (27 tuổi, ở Cao Bằng) khát khao mua được nhà để sinh sống ổn định gần công ty. Tuy nhiên, anh Thanh cho biết, dù có nhiều chính sách nhưng với đồng lương hiện tại của hai vợ chồng khó có thể chạm tay vào NƠXH.
"Công nhân như chúng tôi muốn mua NƠXH để làm tại khu công nghiệp nhưng còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, tài chính... Cũng có người làm việc vài năm rồi về quê thì chỉ có nhu cầu thuê nhà. Vì vậy, nhiều dự án NƠXH tại khu tôi làm việc còn tới một nửa, thậm chí 2/3 căn hộ chưa bán được" - anh Thanh nói.
Lý giải về nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng NƠXH vừa thiếu vừa ế với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - nhận định, do quá trình thực hiện kế hoạch xây dựng không có quy hoạch. Đối với quỹ đất 2%, không phải chỗ nào xây dựng cũng phù hợp. Nhiều dự án làm theo phong trào, chỉ tiêu dẫn đến tình trạng chỗ cần thì không có, chỗ có thì không ai cần.
"Ví dụ, ở Bắc Ninh mặc dù đông công nhân nhưng lương họ chỉ đủ tiêu dùng, không đủ khả năng mua nhà. Công nhân có thể không ở lâu tại địa phương nhưng lúc đi lại không bán được. Mỗi người chỉ được hưởng chính sách NƠXH 1 lần trong đời. Luật liên quan nhà ở xã hội rất siết đối tượng mua, nhiều tỉnh chỉ bán cho công nhân, thậm chí quy định trong một khu công nghiệp và chỉ thuộc một huyện. Mặc dù "ế hàng" nhưng các tỉnh cũng không dám điều chỉnh bán cho đối tượng khác vì quy định không cho phép. Điều này dẫn đến tình trạng dự án nằm "đắp chiếu", doanh nghiệp chịu trận, không còn mặn mà phát triển NƠXH" - ông Đính cho hay.
Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có tình trạng "khát" NƠXH ở một số vị trí do có giá quá rẻ so với mặt bằng chung của các dự án nhà ở thương mại trong khu vực. Quy hoạch không hợp lý gây lãng phí nguồn lực đất ở tại vị trí đất có giá trị. Những người mua NƠXH sống ở khu vực đó sẽ phải chịu chi phí dịch vụ đắt đỏ. Ngược lại, những dự án không có hạ tầng, tiện ích ở nơi "hoang vu hẻo lánh" cũng không thể thu hút người mua.
Nhà ở giá rẻ không đồng nghĩa chất lượng thấp
Theo các chuyên gia, thực tế ở Hà Nội cũng có những dự án NƠXH bán "5 lần 7 lượt" vẫn ế hàng không khác gì các khu công nghiệp. Để tránh tình trạng nơi thừa, chỗ thiếu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia Kinh tế tài chính - kiến nghị các địa phương khi phát triển NƠXH cần có quy hoạch cụ thể, có sự kết nối và liên thông giữa các vùng.
"Dự án NƠXH cần được quy hoạch thành khu dân cư, không phải những nơi ở nhếch nhác khi nhắc đến người dân đã "sợ". NƠXH khi xây dựng phải có quy hoạch kết nối giao thông, hạ tầng cơ sở. Đồng thời, vị trí phải thuận tiện gần những địa điểm thiết yếu như bệnh viện, trường học... Cần xác định rõ tư duy NƠXH có giá thấp nhưng chất lượng không thấp. Ở các khu công nghiệp, về lâu dài cần nghĩ đến chuyện cho thuê NƠXH với giá hợp lý để phù hợp với đồng lương và thu nhập của công nhân. Ngoài ra, nên tính toán lại để có cơ chế hợp lý vì công nhân ở khu công nghiệp phần đông chỉ làm việc một thời gian rồi lại trở về quê chứ không cư trú lâu dài" - ông Thịnh cho hay.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, chính sách NƠXH cần hướng đến mọi tầng lớp trong xã hội. Quy định đối tượng được thụ hưởng chính sách NƠXH cần được thay đổi và nới lỏng để phù hợp với thực tiễn. Nhà ở xã hội không phải là bán cho người giàu nhưng cần hướng đến cả những đối tượng có thu nhập thuộc diện phải đóng thuế, có tích lũy, nhưng không tiếp cận được với nhà ở thương mại hiện có giá bán ở ngưỡng cao.