Doanh nghiệp bất động sản có nợ vay nhiều nhất sàn chứng khoán
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết năm 2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 2,75 triệu tỉ đồng, tăng 6,75% so với năm 2022.
Nhìn vào tài chính của các doanh nghiệp bất động sản thống kê đến hết tháng 9.2023 cho thấy, nguồn vốn vay từ ngân hàng "phình to" so với cùng kỳ năm 2022.
Theo thống kê tại Wichart, trong 3 năm trở lại đây, nợ vay của doanh nghiệp bất động sản đang chiếm tỉ trọng lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Trao đổi với Lao Động ngày 10.1, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính - cho biết, chỉ trong 2 năm trở lại đây, cơ cấu vốn của doanh nghiệp bất động sản có biến động lớn.
"Doanh nghiệp bất động sản đang lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tỉ lệ vay nợ trên tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản tăng theo từng năm" - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Cùng phân tích, trong báo cáo của Công ty Chứng khoán VCBS, nhận định, từ giai đoạn 2020-2021, trái phiếu doanh nghiệp trở thành nguồn vốn huy động quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản do huy động vốn tín dụng khó khăn do các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý; Các ngân hàng phần nào hạn chế cho vay để đảm bảo tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Ngoài ra, thời điểm đó trái phiếu doanh nghiệp có khả năng đòn bẩy cao, doanh nghiệp có thể vừa thế chấp dự án tại ngân hàng, vừa sử dụng cổ phần pháp nhân dự án làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu; Không chịu nhiều sự kiểm soát về tỉ lệ đòn bẩy tối đa.
Tuy nhiên, từ năm 2022, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới gần như đình trệ sau khi nhiều vụ việc sai phạm bị xử lý. Nhiều doanh nghiệp chịu áp lực mua lại trước hạn trái phiếu để phòng tránh rủi ro pháp lý.
Trên thực tế phương án kinh doanh và dòng tiền của đa số doanh nghiệp bất động sản không phù hợp với kỳ hạn của trái phiếu doanh nghiệp (thường trái phiếu có kỳ hạn 2-3 năm, trong khi thời gian triển khai dự án BĐS dài hơn đáng kể). Do đó, doanh nghiệp chịu áp lực lớn trong thanh toán nghĩa vụ trái phiếu khi không thể phát hành lô trái phiếu mới.
Từ bối cảnh trên, tín dụng bất động sản năm 2023 tăng tỉ trọng trong cơ cấu dư nợ của nền kinh tế, lên đến hơn 20%, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước.
Vốn đổ vào phía cung nhiều hơn phía cầu
Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank - cho biết: "Không có ngành nào được Thủ tướng quan tâm như bất động sản".
Dù tín dụng đang đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản giúp thị trường này vực dậy sau thời kỳ "đóng băng", nhưng các chuyên gia tài chính cũng lưu ý việc tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực bất động sản cần trúng và đúng.
Nhìn lại dư nợ tín dụng hết năm 2023, Ngân hàng Nhà nước thống kê dư nợ đối với kinh doanh bất động sản đạt mức tăng trên 22%; lĩnh vực tiêu dùng bất động sản giảm nhẹ 0,7%.
Con số này cho thấy, nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó phía cầu là người dân mua bất động sản với mục đích tiêu dùng thì lại sụt giảm.
CEO AFA Capital Nguyễn Minh Tuấn phân tích: "Nếu chúng ta tập trung tăng lượng nhà ở xã hội, tăng được lượng căn hộ phù hợp với nhu cầu chi tiêu của người dân thì đây là động lực đúng để phát triển xã hội. Còn nếu như chúng ta tập trung phát triển các phân khúc mang tính đầu cơ về tài chính thì chắc chắn mục tiêu này không phù hợp với phát triển kinh tế".
Trên thực tế, thống kê đến hết tháng 9.2023, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu của tín dụng bất động sản tính đến tháng 9.2023 là 2,89% tăng mạnh so với mức 1,72% ở thời điểm cuối năm 2022.
Trong khi đó quy định tỉ lệ nợ xấu không vượt quá 3% tổng dư nợ tín dụng cho vay, trong khi mức nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đã gần chạm kịch khung.