Tháo mãi vẫn chưa xong
Hiện nay trên địa bàn thành phố có hàng trăm dự án bị tắc vì thủ tục đầu tư xây dựng. Đơn cử như dự án Khu nhà ở - Trung tâm thương mại và siêu thị Đông Nam của Công ty CP Dệt Đông Nam, dự án đến nay vẫn bị ách tắc, bởi Sở TNMT chưa có hướng dẫn cụ thể để Công ty thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, sau nhiều cuộc họp với Ủy ban nhân dân thành phố cùng các sở ban ngành nhằm rà soát và tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng như ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được các thủ tục tiếp theo cho dự án.
Trong khi đó, với trường hợp của dự án Metro Star của Công ty TNHH Đầu tư Metro dù đã đáp ứng các điều kiện được điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26.03.2021 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, nhưng cho đến nay dự án vẫn chưa được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư...
Đó không phải là các trường hợp cá biệt mà trên địa bàn TPHCM có hàng trăm dự án từ nhà ở thương mại cho đến nhà ở xã hội đều gặp vướng vì các thủ tục chấp thuận đầu tư trong quy trình các bước thủ tục làm dự án.
Rối với quy trình thủ tục
Theo nhận xét của ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, quy trình thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại bị ách tắc ngay từ bước 1 của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện. Dù thủ tục này theo cơ chế một cửa nhưng lại bị mất nhiều thời gian hơn, thậm chí bị “tắc” ngay tại cửa đầu tiên.
Bởi lẽ, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư chỉ là thủ tục khởi đầu của dự án, chứ không phải là thủ tục để quyết định ngay “Báo cáo khả thi” của dự án. Tuy nhiên, do sự bất hợp lý của quy định đánh giá sự phù hợp với quy hoạch đô thị mà nếu bổ sung từ sơ bộ vào cụm từ “đánh giá sơ bộ sự phù hợp với quy hoạch đô thị” thì hợp lý hơn, tương tự như điểm a khoản 3 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 đã sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường 2015, chỉ thay thế một từ “sơ bộ” trong cụm từ “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” thì đã giảm được thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Còn quy định “đánh giá sự phù hợp với quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết” mâu thuẫn với khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định. “Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư”, nhưng tại thời điểm này chưa được “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” thì nhà đầu tư chưa được công nhận là chủ đầu tư dự án, nên lâm vào tình trạng “con gà - quả trứng”, cái nào có trước, cái nào có sau” - ông Lê Hoàng Châu đặt vấn đề.
Còn đối với nhà ở xã hội, hiện các dự án đang vướng mắc trong phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định chủ đầu tư dự án được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần so với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhưng khi thực hiện quy trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội thì quy định ưu đãi chủ đầu tư lại bị ách tắc ngay tại bước 1 “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” và tại bước 2 “phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500”, do Sở Xây dựng (hoặc Sở Quy hoạch Kiến trúc) và UBND cấp huyện “không dám” phê duyệt mà yêu cầu chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải “chờ” cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 rồi mới “phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500”, nên không biết phải “chờ” đến bao giờ.