Trong giai đoạn 2015-2020, Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra kế hoạch cải tạo, xây dựng lại 237 trong tổng số 474 khu nhà chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, trong đó có 15 nhà chung cư cấp D (hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng), gắn liền với việc giải quyết tái định cư cho người dân có chỗ ở và không gian sống tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, trong hơn 5 năm qua, TPHCM mới di dời được 6 nhà chung cư, phá dỡ được 4 nhà chung cư cấp D và chỉ có 2 nhà chung cư được xây dựng mới. Ngoài ra, có 3 chung cư đang thi công dang dở có quy mô khoảng 260.000m2 sàn với hơn 2.000 căn hộ.
Sở dĩ việc cải tạo chung cư cũ, đặc biệt là chung cư cấp D chậm bởi quy định của pháp luật về lĩnh vực cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ còn nhiều bất cập. Đơn cử, quy định cũ yêu cầu phải đạt 100% sự đồng thuận của các chủ sở hữu nên chỉ cần một hộ không đồng ý thì cũng không thể thực hiện.
Bên cạnh đó, quy định bồi thường, hỗ trợ, tạm cư và tái định cư hiện hành không còn phù hợp. Đồng thời, chưa có sự thống nhất trong việc miễn, giảm tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính phát sinh từ việc điều chỉnh tăng chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc. Một khó khăn nữa đó là khó mời gọi nhà đầu tư tham gia do nhiều chung cư cấp D có diện tích nhỏ, việc đầu tư xây dựng mới chung cư không đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Giám đốc một công ty bất động sản ở TPHCM cho biết, thực tế không phải các doanh nghiệp không quan tâm đến phân khúc này nhưng các chung cư ở vị trí “vàng” đã được các nhà đầu tư trước xí phần, giờ còn lại những chung cư ”xương xẩu, khó gặm” nên không ai quan tâm. Nhưng điều quan trọng hơn cả là hiện nay các nhà đầu tư không còn nhìn thấy tiềm năng từ “phân khúc” cải tạo chung cư cũ, bởi dính đến việc đền bù giải phóng mặt bằng, nhất là ở các khu chung cư với dân số quá cao là điều gần như bất khả thi.
Mặc dù UBND TPHCM đã ủy quyền, phân công triệt để cho các quận thực hiện công việc cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ trước năm 1975, nhưng quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc như nói trên, nên chương trình này vẫn ỳ ạch. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, các văn bản quy định pháp luật liên quan đến việc uỷ quyền này cũng đã được huỷ bỏ, thay đổi hoặc điều chỉnh.
Do vậy, mới đây, Sở Xây dựng TPHCM có kiến nghị UBND TP tiếp tục việc uỷ quyền, phân công cho UBND các quận và TP.Thủ Đức thực hiện các thủ tục đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ như: Chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết, thu hồi và giao đất, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, cấp phép xây dựng...
Đặc biệt, nội dung uỷ quyền đáng quan tâm là uỷ quyền cho UBND các quận và TP. Thủ Đức công nhận chủ đầu tư, chấp nhận phương án tạm cư, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đề xuất của nhà đầu tư trong trường hợp các chủ sở hữu nhà chung cư chọn được nhà đầu tư theo quy định và trong trường hợp Nhà nước tổ chức thực hiện đối với chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm hết thời hạn theo quy định nhưng chủ sở hữu nhà chung cư chưa chọn được nhà đầu tư.