Theo dữ liệu của Twenty First Group, Chelsea đã chi 930 triệu Euro cho việc chuyển nhượng cầu thủ kể từ hè năm ngoái. Con số này nhiều hơn 36 triệu Euro so với Real Madrid, Barcelona và phần còn lại của La Liga cộng lại.
Số tiền đó cũng chiếm khoảng 18% tổng chi tiêu chuyển nhượng của Premier League trong cùng thời gian. Trong khi đó, Serie A, Ligue 1 và Bundesliga chi khoảng 1,2 tỉ Euro đến 1,6 tỉ Euro kể từ hè năm ngoái.
Tottenham chi khoảng 1 tỉ Euro cho chuyển nhượng trong 10 năm qua. Bayern Munich chi 880 triệu Euro trong cùng khoảng thời gian. Chelsea đã chi tiêu nhiều hơn chỉ trong hơn 12 tháng.
Số tiền chi tiêu của Chelsea có hợp lệ?
Để đối phó với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, UEFA đã thay thế FFP bằng các quy định tài chính cập nhật, hiện được gọi là Quy định tài chính và bền vững.
Tất nhiên, mục đích vẫn là ngăn chặn các câu lạc bộ trên khắp châu Âu chi tiêu quá mức và sau đó phá sản.
Có 3 yếu tố trong chi phí của cầu thủ: tiền lương, phí chuyển nhượng được khấu hao và số lần ra đi của cầu thủ.
Ở mùa giải trước, hóa đơn tiền lương của Chelsea vào khoảng 320 triệu bảng, cao thứ tư tại Premier League sau Manchester United, Manchester City và Liverpool. Và bất chấp tất cả các bản hợp đồng mới, con số đó thậm chí có thể không tăng lên trong mùa giải này.
“Rất có thể phần lớn các cầu thủ sẽ có các điều khoản trong hợp đồng, trong đó nêu rõ rằng nếu câu lạc bộ không đủ điều kiện dự Champions League, họ sẽ bị giảm lương hoặc sẽ không có tiền thưởng", Kieran Maguire, giáo sư trường Đại học Liverpool cho biết.
"Chúng tôi đã thấy điều đó trong trường hợp của Manchester United, nơi hóa đơn tiền lương đã giảm khoảng 40 triệu bảng đến 50 triệu bảng".
Ngoài khả năng giảm lương cho một số cầu thủ trong đội, một số cầu thủ có thu nhập cao đã rời Chelsea vào hè này. Kieran Maguire ước tính rằng trung bình mỗi cầu thủ kiếm được khoảng 150.000 bảng mỗi tuần tại Chelsea mùa trước.
Theo ước tính của FBref, Christian Pulisic, Pierre-Emerick Aubameyang, Kepa Arrizabalaga, Cesar Azpilicueta, Joao Felix, Kai Havertz, N'Golo Kanta và Kalidou Koulibaly ít nhất đều ở mức lương đó.
Sau đó là thời hạn hợp đồng dài, điều này giải thích tại sao The Blues có thể liên tục chi tiêu mạnh tay. Theo Twenty First Group, trung bình một cầu thủ Chelsea hiện còn 4,6 năm trong hợp đồng, cao hơn 76% so với mức trung bình ở Premier League và cao hơn 90% so với mức trung bình của 5 giải đấu lớn.
Cụ thể hơn, Chelsea hiện có 10 cầu thủ có hợp đồng ít nhất đến năm 2030. Mudryk, Enzo, Caicedo và Jackson đều có thời hạn đến năm 2031, trong khi Sanchez, Badiashile, Madueke, Gusto, Ughochukwu và Santos có hợp đồng đến hết mùa giải 2029-2030.
Cách hạch toán các khoản phí chuyển nhượng này là thông qua khấu hao. Về cơ bản, bằng cách cung cấp cho tất cả cầu thủ các hợp đồng dài gấp đôi thời hạn thông thường, The Blues sẽ cắt giảm một nửa chi phí của tất cả các vụ chuyển nhượng này.
Trước những động thái của Chelsea, UEFA đã ra phán quyết vào đầu năm nay rằng, từ hè này trở đi, các hợp đồng sẽ không còn được phép khấu hao trong bất kỳ khoảng thời gian nào kéo dài hơn 5 năm. Tuy nhiên, Chelsea không được dự cúp châu Âu năm nay nên quy định của UEFA hiện không được áp dụng.
Và cuối cùng là sự ra đi của nhiều cầu thủ kể từ hè năm ngoái giúp Chelsea thu về hơn 300 triệu Euro. Số tiền đó không cần phân bổ và được ghi nhận là lợi nhuận ngay lập tức. Ngoài ra, Chelsea không còn phải trả lương cho bất kỳ cầu thủ nào trong số đó.
Với những yếu tố kể trên, Chelsea tự tin rằng họ sẽ vượt qua được Luật công bằng tài chính. Và ngay cả khi bị phạt, đó có thể chỉ là một khoản tiền mặt, điều mà ban lãnh đạo Chelsea đã tính trước.
Về cơ bản, The Blues cần đáp ứng 2 yêu cầu về tài chính. Đầu tiên là khoản lỗ tối đa cho phép trong khoảng thời gian 3 năm là 60 triệu Euro.
Thứ hai là chi phí đội hình chỉ có thể bằng 70% tổng doanh thu hoạt động và lợi nhuận từ việc cầu thủ rời đi. Tuy nhiên, con số 70% chỉ được áp dụng từ mùa giải 2025-2026, trong khi mùa giải năm nay là 90% và 80% cho mùa giải sau đó.