Darragh MacAnthony đang ngày đêm tính toán rằng nếu các giải đấu trở lại vào tháng 7 hoặc 8, đội bóng của ông sẽ tổn thất bao nhiêu, liệu có những chủ nợ nào sẽ gõ cửa và cầu thủ nào có thể sẽ đâm đơn kiện câu lạc bộ để đòi lương?
Đó là suy nghĩ thường trực của các ông chủ đang sở hữu những đội bóng ở hạng thấp của Anh.
Hệ thống Premier League còn chưa thể đảm bảo tương lai, huống chi những giải đấu cấp thấp hơn. Để rồi thay vì ngồi ôm đầu than vãn, MacAnthony buộc phải xắn tay áo lên vào tìm cách cứu lấy chính mình.
Sky Sports ký với EFL bản hợp đồng trị giá 595 triệu bảng trong vòng 5 năm. Hệ thống các giải đấu cấp thấp tại Anh đang trải qua năm đầu tiên trong hợp đồng. MacAnthony là người khởi xướng ý tưởng rằng, các đội bóng có thể bù lỗ cho nhà đài ở năm thứ 4 hoặc năm cuối trong hợp đồng.
Điều này đồng nghĩa với việc số tiền 595 triệu bảng Sky Sports bỏ ra có thể nhỏ hơn, các đội bóng chấp nhận thu về ít hơn, miễn sao không dính dáng vào các vụ kiện tụng đòi tiền bản quyền truyền hình của nhà đài.
Peterborough dự kiến sẽ mất 1,6 triệu bảng tiền thanh toán các hóa đơn ghi nợ vào tháng 8 tới. MacAnthony đang kêu gọi các đội cùng lập quỹ phòng chống rủi ro với số tiền khoảng 170 triệu bảng.
Khoản cứu trợ này sẽ được dùng để giải quyết nhanh cho các đội đang bị chủ nợ gõ cửa liên tục, bản thân Peterborough cũng nằm trong số đó.
Các đội bóng hạng dưới dù quy mô nhỏ nhưng không phải không biết định tính, định lượng. Mỗi năm tiết kiệm một chút để cùng nhau xây dựng các quỹ lớn nhỏ. Từ đó, tất cả có thể nắm tay nhau vượt qua khó khăn hiện tại.
Dù khổ sở vì dịch bệnh nhưng chúng tôi quyết không lấy một đồng nào từ Chính phủ Anh. Cái chúng tôi muốn là gọi về đây càng nhiều người giỏi càng tốt để hoạt động tài chính được phát triển qua từng năm.
Người sở hữu của Peterborough muốn tạo ra bộ quy tắc chung cho các đội có nhu cầu sử dụng gói 170 triệu bảng.
Các đội sẽ phải đảm bảo số cầu thủ ở đội 1 dưới 23 người, giảm lương nhân viên, xóa bỏ những khoản chi không thiết yếu. MacAnthony cho rằng, đây là những điều chưa từng có tiền lệ nhưng trong bối cảnh nhiều đội đang bị chủ nợ gõ cửa, ai không muốn bị "khai tử" buộc phải chấp nhận luật chơi mới.
"Chúng tôi là những người trả lương chứ không đưa tiền theo dạng bố thí cho các cầu thủ. Dù ít hay nhiều nhưng khi họ ra sân đá bóng, tất cả phải được trả tiền.
Có khó khăn mới biết cách hành xử và đạo đức nghề nghiệp của nhiều người ra sao. Các đội bóng ở Premier League hay Championship muốn mượn các cầu thủ của chúng tôi cũng buộc phải đáp ứng được luật chơi mới", MacAnthony chia sẻ.
Bên cạnh những tín hiệu tiêu cực về viễn cảnh phá sản, các đội hạng thấp ở Anh cho thấy nghị lực và sự thông minh ra sao để vượt qua giai đoạn này.
Đúng như Andy Holt - chủ sở hữu của Accrington Stanley đã nói, việc cần nhất lúc này là tìm ra con đường để tồn tại, nếu có xuống hạng hoặc mất cầu thủ giỏi, tất cả cũng chấp nhận.