Không mấy ai gọi Jurgen Klopp là "bậc thầy chiến thuật" dù lối chơi gegenpressing của Liverpool khiến hàng triệu con tim điên loạn. Bởi, dù chiến thuật pressing như loại nhạc rock nặng được Klopp phát huy đến mức tối ưu nhưng nó dựa quá nhiều và khả năng hoạt động, ngốn thể lực của cầu thủ thay vì những biến ảo trong tư duy di chuyển.
Liverpool đi đến đỉnh vinh quang nước Anh và Châu Âu bằng sự chăm chỉ, hoạt động đến không biết mệt của các cầu thủ, bên cạnh sự đốc thúc đến "bùng lửa" của Klopp bên ngoài đường biên. Những người dân cảng ở thành phố vùng Tây Bắc nước Anh yêu mến và đắm chìm trong điều đó. Đối với họ, bóng đá là khát khao chiến đấu hết mình.
Còn nhớ 4 năm trước, sau trận chung kết Champions League 2017-18 tại Kiev, Liverpool nhận thất bại cay đắng trước Real Madrid, ở phía ngoài sân, người hâm mộ The Kop đã... hò reo, ca hát. "Chúng ta đã làm tốt và "khỉ thật" Real Madrid đã quá may mắn", Klopp cũng khoác vai một nhóm cổ động viên hát vang lên nỗi lòng.
Hiếm có nơi nào, người hâm mộ yêu mến và kiên nhẫn với một huấn luyện viên vừa bại trận đến vậy. Thực tế, Liverpool thời điểm đó mới đang trong giai đoạn đầu đi vào quỹ đạo, rất khó so sánh với một Real Madrid hùng mạnh còn có Cristiano Ronaldo trong đội hình. Sau một hành trình dài, giờ vị thế đã thay đổi, Liverpool không hề nằm ở "cửa dưới" nên Klopp hiểu bản thân và các học trò sẽ khó được thông cảm nếu thất bại.
Dù vậy, Klopp chưa hẳn đã nóng vội như cái cách mà Liverpool thường bắt đầu trận đấu. Song, xét về sự bình tĩnh, không mấy ai so được với Carlo Ancelotti. "Mr. Champions League" là vị chiến lược gia vĩ đại bậc nhất lịch sử giải đấu danh giá nhất Châu Âu, nhưng sau "sơ đồ cây thông" từ giai đoạn đầu thập niên 2000, không mấy ai còn nhận ra điểm đặc biệt trong cách vận hành chiến thuật của Ancelotti.
Thậm chí Antonio Cassano - cựu tiền đạo tuyển Italia còn gọi Ancelotti là "kẻ may mắn" sau khi thấy Real Madrid chật vật đánh bại Chelsea và PSG ở vòng knock-out Champions League 2021-22. Nhưng thế thì đã sao, may cũng được, miễn là chiến thắng, tranh cãi cũng chẳng sao nếu lên người bước lên bục vinh quang cuối cùng.
Cái bình thản của Carlo Ancelotti với điệu bộ nhẹ tênh đối diện áp lực cùng điếu xì gà trên tay khiến người ta liên tưởng đến những "bố già Mafia" trong những siêu phẩm điện ảnh Italia. Họ giấu mình, cẩn trọng và đôi khi khiến đối thủ chủ quan vì không lộ thực lực.
Cậu học trò Toni Kroos - người nhiều lần được Ancelotti trao quyền điều hành đội bóng trong các trận đấu khẳng định, "sẽ là sai lầm nếu nghĩ Ancelotti chỉ giỏi quản lý phòng thay đồ". Cái hay của Ancelotti là tưởng như không quan tâm đến chiến thuật nhưng kỳ thực là chọn cách tiếp cận ít phức tạp nhất để cầu thủ hiểu rõ bản thân mình cần làm gì trên sân, cả trong phòng ngự lẫn tấn công.
Khó nhất là biến những điều phức tạp thành đơn giản và Carlo Ancelotti làm được điều đó. Khi "Mr. Champions League" dẫn dắt đội bóng vĩ đại nhất giải Cúp Châu Âu, họ gọi đó là tập thể của "chân mệnh thiên tử". Có lẽ, đó cũng cách giải thích tốt nhất cho việc một Real Madrid thiếu ngôi sao lại chơi hay và hạ hầu hết các "ông lớn" Châu Âu.
Ở cái góc độ ấy, với những gì đã làm được, "kẻ may mắn" Ancelotti cứ bình thản mà tiếp "gã điên" Klopp thôi!