Khi nhìn tuyển Philippines dễ dàng đánh bại Timor-Leste tới 7-0 ở trận đấu sớm, nhiều người đặt ra câu hỏi về sức mạnh của đội tuyển Thái Lan. Còn nhớ ở lượt trận mở màn bảng A, "Voi chiến" đã phải rất vất vả mới ghi được 2 bàn thắng vào lưới đội bóng yếu nhất giải. Dù có thể dùng phong độ thất thường của tuyển Timor-Leste để phần nào lý giải khoảng cách về mặt tỉ số, nhưng rất khó để phủ nhận những vấn đề tồn đọng trong lối chơi tuyển Thái Lan.
Dưới thời tân huấn luyện viên Mano Polking, tuyển Thái Lan vẫn giữ lối chơi cầm bóng và phối hợp ngắn truyền thống. Tuy nhiên, sự mạch lạc trong cách phát triển bóng và khả năng tận dụng cơ hội của các chân sút chính vẫn là "điểm đen" chưa thể giải quyết. Thực tế, đội bóng xứ chùa vàng không ghi quá 3 bàn trong cách trận đấu chính thức trong hơn 2 năm nay (kể từ trận thắng 3-0 trước Indonesia từ tháng 9.2019).
Việc nghỉ lượt trận thứ 2 khiến tuyển Thái Lan mất ngôi đầu bảng A vào tay chủ nhà Singapore. Trận đấu với Myanmar tại lượt trận thứ 3 là cơ hội để "Voi chiến" đòi lại lợi thế, đồng thời khẳng định đẳng cấp của đội bóng giàu thành tích nhất tại Đông Nam Á.
Tuyển Thái Lan đặt mục tiêu phải thắng, thậm chí là cần một chiến thắng đậm để so ưu thế hiệu số phụ với tuyển Singapore. Đó là lý do huấn luyện viên Mano Polking rất vui khi nhận thấy Myanmar chơi rất mạo hiểm, có ý thức tấn công ngay từ phần sân nhà. Ông mong Myanmar giữ cách chơi ấy trước Thái Lan để mở ra thế trận phóng khoáng và "Voi chiến" sẽ thoải mái hơn trong việc dàn dựng các miếng tấn công.
Sự góp mặt của 2 ngôi sao đang thi đấu tại J.League là Theerathon Bunmathan và Chanathip Songkrasin đã giúp cho lối chơi của tuyển Thái Lan thêm phần thanh thoát. Đặc biệt, huấn luyện viên Polking để Chanathip chơi tự do và trở thành "cầu nối" giữa hàng tiền vệ và tiền đạo.
Điều này khiến hầu hết mọi đường lên bóng của tuyển Thái Lan đều qua chân "Messi Jay". Kỹ thuật, nhãn quan của Chanathip là sự khác biệt trong cả thế trận, chỉ tiếc không phải cơ hội nào anh tạo ra cũng được đồng đội tận dụng. Tiền đạo trẻ Supachai Chaided tỏ ra khá vô duyên trước khung thành tuyển Myanmar. Và đó là lúc, chất kinh nghiệm của Teerasil Dangda lên tiếng.
Tiền đạo mang áo số 10 mở tỉ số ở phút 23, sau cú sút chìm rất hiểm hóc ngay sát vòng cấm. Khả năng di chuyển, chọn vị trí của Dangda rất nổi bật, thấy rõ đẳng cấp của một chân sút từng thi đấu tại Châu Âu. Anh hoàn tất cú đúp ở phút 53, sau quả đá phạt đền thành công.
Tuyển Thái Lan cầm bóng áp đảo, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng phung phí quá nhiều cơ hội. Đó là lý do phải đến hiệp 2, họ mới có bàn thắng nhân đôi cách biệt. Do còn thua chỉ số phụ của Singapore nên phải thắng với 3 bàn cách biệt, "Voi chiến" mới có thể đòi lại ngôi đầu.
Song, càng những lúc vội vàng, tuyển Thái Lan chơi càng rối, cả trong tấn công lẫn phòng ngự. Thậm chí, thủ thành Chatchai Budprom còn 2 lần nhờ đến sự giúp đỡ của xà ngang và cột dọc mới cứu thua được cho đội.
Chỉ đến tận 15 phút cuối trận, tuyển Thái Lan mới trở lại với hình ảnh tốt nhất của chính mình. Những miếng đánh biên sở trường được sử dụng lại và thành quả đến là 2 bàn thắng của Worachit Kanitsribampen và Supachok Sarachat.
Thắng chung cuộc 4-0 trước tuyển Myanmar, Thái Lan vươn lên ngôi đầu bảng A. "Voi chiến" cũng có 6 điểm như Singapore nhưng hơn về chỉ số phụ. Hơn hết, họ dần hoàn thiện được khả năng tấn công và mối liên kết giữa các ngôi sao trong chiến thuật của Mano Polking.