Ông Nguyễn Mạnh Kha, Phó Chủ tịch CĐ DKVN cho biết, ATVSLĐ là một trong những nội dung hoạt động quan trọng của tổ chức Công đoàn. Trong những năm qua, CĐ DKVN cùng các cấp công đoàn trong Tập đoàn đã chủ động tích cực tham gia với Tập đoàn và các đơn vị thành viên xây dựng, ban hành các quy định về công tác ATVSLĐ, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và NLĐ.
Với đặc thù SXKD và hoạt động trải rộng cả trong và ngoài nước, hoạt động của ngành dầu khí tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ mất an toàn rất cao, đồng thời có nhiều ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vì vậy công tác ATVSLĐ – PCCN luôn được các cấp chính quyền và công đoàn chú trọng, quan tâm đặt lên hàng đầu.
Công tác ATVSLĐ đã được Đảng ủy, lãnh đạo chuyên môn, lãnh đạo công đoàn các cấp quan tâm đẩy mạnh và thực hiện triển khai hiệu quả toàn diện, NLĐ nhận thức đầy đủ, tham gia tích cực mang lại các kết quả khả quan. Tổng số vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tai nạn chết người, số vụ có nguy cơ mất an toàn, bệnh nghề nghiệp giảm dần hàng năm; Tình hình khai báo, điều tra TNLĐ được thực hiện theo đúng quy trình và đều có sự tham gia của tổ chức công đoàn; không có vụ nào phải xử lý hình sự. Số lượt đào tạo tập huấn ATVSLĐ do Công đoàn chủ động hoặc phối hợp thực hiện và số người tham gia cũng tăng dần. Công tác tuyên truyền được triển khai tích cực, đi vào chiều sâu.
Mặc dù hiện nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam luôn được đánh giá cao trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ, nhưng để duy trì và làm tốt hơn nữa, đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không bao giờ được coi nhẹ công tác ATVSLĐ – PCCN, mỗi NLĐ phải nêu cao tinh thần tự giác thực hiện công tác an toàn để bảo vệ bản thân, vì sự phát triển của doanh nghiệp.
Tại tọa đàm, Công đoàn các đơn vị đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm tổ chức công tác ATVSLĐ tại đơn vị mình như: Những giải pháp hay hiệu quả trong công tác tuyên truyền, đào tạo, huấn luyện; xây dựng, quản lý hoạt động của mạng lưới ATVSV; các phương pháp nhận diện rủi ro, mối nguy trong SXKD; các chính sách trong công tác an toàn; kiểm tra, giám sát và thực hiện kỷ luật lao động.
Đặc biệt, công đoàn các đơn vị cũng đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan về thực trạng hoạt động của mạng lưới ATVSV; đồng thời khẳng định đây là lực lượng rất quan trọng, là cánh tay nối dài của tổ chức công đoàn trong công tác tuyên truyền, đánh giá rủi ro trong lao động và giám sát thực hiện công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc… cần được nâng cao chất lượng để hoạt động hiệu quả hơn.
Đại diện Vietsovpetro cho biết, tại Vietsovpetro, mạng lưới ATVSV được hình thành từ rất sớm, với quy chế hoạt động rõ ràng. Vietsovpetro cũng thường xuyên tổ chức những hoạt động để nâng cao chất lượng của mạng lưới ATVSV như tổ chức các cuộc thi ATVSV giỏi, các buổi tọa đàm, hội thảo để mọi người trao đổi, học hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ,…
Vietsovpetro cũng chú trọng đào tạo, huấn luyện mạng lưới ATVSV về nhận diện, đánh giá rủi ro tại nơi làm việc, đồng thời còn đào tạo về công tác này ở cấp quản lý cao hơn, nhằm phối hợp nhận diện, đánh giá rủi ro một cách chính xác nhất.
Đại diện Công đoàn các đơn vị khẳng định, muốn làm tốt công tác an toàn phải nhận diện tốt rủi ro. Bởi những tai nạn xảy ra chỉ phần nổi của tảng băng, trong khi đó những mối nguy và rủi ro tiềm ẩn bên dưới đó còn rất nhiều. Do đó, điều quan trọng là phải nhận diện được các rủi ro tiềm ẩn và có biện pháp ngăn ngừa, cải tiến nhằm đảm bảo tốt hơn công tác ATVSLĐ.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch CĐ DKVN Nguyễn Mạnh Kha đánh giá cao hiệu quả buổi tọa đàm và đề nghị Công đoàn các đơn vị cần tăng cường phối kết hợp với lãnh đạo chuyên môn trong thực hiện công tác ATVSLĐ, đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong công tác này để thực hiện tốt;
Quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới ATVSV, bằng việc tăng cường quản lý và triển khai các hoạt động của mạng lưới ATVSV ngày càng đi vào nề nếp, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác; tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức của đội ngũ ATVSV; đảm bảo các chế độ chính sách, khen thưởng kịp thời nhằm động viên đội ngũ làm công tác ATVSLĐ;
Tăng cường tham gia thanh tra, tự kiểm tra, giám sát thực hiện công tác ATVSLĐ, chủ động đề xuất với người sử dụng lao động các biện pháp để cải thiện điều kiện lao động, phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đảm bảo kỷ luật nghiêm trong công tác ATVSLĐ…