Tổn thương nặng nề
Trao đổi với PV Lao Động, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, xâm hại tình dục trẻ em bao gồm tất cả các hành vi tình dục không mong muốn. Hành vi xâm hại tình dục có thể là từ việc xâm hại bằng lời nói, trêu ghẹo trẻ một cách quá đáng, sờ mó bộ phận sinh dục của trẻ, thủ dâm, tiếp xúc miệng với bộ phận sinh dục, ép buộc trẻ sờ mó vào cơ thể người lạm dụng…
Việc lạm dụng tình dục ở trẻ em không chỉ giới hạn vào các tiếp xúc cơ thể mà còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc như khoe bộ phận sinh dục cho trẻ thấy, kể cho trẻ nghe về tình dục, cho xem phim, truyện khiêu dâm, rình xem trộm hoặc sử dụng hình ảnh khiêu dâm trẻ em…
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội . Ảnh Trần Vương |
Đáng chú ý, trong nhiều nghiên cứu, thủ phạm thường gặp nhất là những những người quen biết (bạn bè của gia đình, hàng xóm, người trông trẻ…). Kẻ xâm hại thường xây dựng mối quan hệ thân thiết với nạn nhân và gia đình của các em để che giấu hành vi xâm hại.
“Xâm hại tình dục ở trẻ em dẫn đến những tổn thương thể chất và những ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ em lâu dài. Nhiều trường hợp trẻ con xấu hổ sau đó dẫn đến trầm cảm nếu không được giải tỏa kịp thời. Những rối loạn này liên quan đến khả năng học tập, khả năng hòa nhập cũng như đối với sức khỏe tâm thần của trẻ” – TS Lâm nói.
Để tránh xảy ra hành vi xâm hại ở trẻ em
Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cũng đưa ra một số giải pháp để phòng ngừa nguy cơ trẻ em bị xâm hại. Thứ nhất, phải thông tin và giúp cho trẻ em và phụ huynh thấy nguy cơ bị xâm hại ngày càng gia tăng để chủ động trong nhận thức.
Thứ hai, phụ huynh và học sinh phải được biết những kiến thức cơ bản để phòng tránh, tránh được cả những nguy cơ bạo lực học đường, xâm hại tình dục ở trẻ. Chính các thành viên trong gia đình cũng phải ghi nhớ để tập cho các con có phản xạ khi có người lạ có ý định “đụng” đến các phần nhạy cảm trên cơ thể. Các bậc phụ huynh cũng cần phải tạo được một môi trường tin cậy lẫn nhau, quan tâm đến con cái, bình tĩnh trao đổi với trẻ những vấn đề của các con.
Vai trò của nhà trường là vô cùng quan trọng giúp trẻ tránh được các nguy cơ bị xâm hại. Ảnh Trần Vương. |
Các vị phụ huynh cũng cần nắm vững “Quy tắc đồ lót” để bảo vệ các con với một số điều cơ bản như: “Các vị cha mẹ hãy nói với con rằng là không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay bố mẹ. Hãy cho trẻ biết rằng cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói KHÔNG. Nói với con khi nào bé cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, bé nên lên tiếng với người bé tin tưởng, có thể nói với bố mẹ, hay chị gái, cô giáo...”.
Về phía nhà trường thì cần phải tổ chức nhiều hơn các buổi thông tin, truyền thông về cách phòng tránh những hiện tượng và các nguy cơ về bạo lực học đường, xâm hại tình dục. Mặt khác, các trường cũng nên có những buổi giao lưu, phát triển kỹ năng cho trẻ.
Đối với các cơ quan pháp luật cần phải điều chỉnh lại sao cho hình phạt đủ sức răn đe, đồng thời phải trừng trị nghiêm những kẻ phạm tội. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng phải khẩn trương giải quyết, kiên quyết đấu tranh, thu thập các thông tin tư liệu để đưa những người phạm tội ra trước công luận.
Trong trường hợp phụ huynh phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục, việc đầu tiên là cố gắng ngăn chặn hành vi xâm hại và bảo vệ trẻ, đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám và tư vấn nhằm điều trị thể chất và tâm lý cho trẻ. Phải mạnh dạn tố cáo hành vi xâm hại trẻ em.
Tin bài liên quan