Dự báo thiếu hơn 55.000 biên chế giáo viên mầm non

Trang Hà |

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự báo, đến năm 2030 có thể thiếu 55.416 biên chế giáo viên mầm non. Khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc và việc tuyển dụng ở nhiều địa phương không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Ngày 4.4, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra Phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non”.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), hiện nay tỉ lệ huy động trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi toàn quốc đạt 93,1%; riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi huy động đạt tỉ lệ 99,8% (còn khoảng 300.000 trẻ mẫu giáo chưa được ra lớp tương ứng 6,9% trẻ mẫu giáo.

Theo dự báo dân số độ tuổi của Tổng cục Thống kê, đến năm 2030 chỉ có 7/63 tỉnh tăng dân số trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi (trên 176.000 trẻ); các tỉnh còn lại đều có xu hướng giảm.

Căn cứ vào số liệu dự báo dân số độ tuổi của Tổng cục Thống kê, đồng thời theo dự báo kế hoạch phát triển giáo dục mầm non của các tỉnh, thành phố đã ban hành, Bộ GDĐT dự báo đến năm 2030: Số lớp mẫu giáo có xu hướng giảm chung do dân số giảm; Tuy nhiên, theo dự báo có một số tỉnh tăng dân số nên sẽ tăng lớp mẫu giáo cục bộ ở một số địa phương, dự báo tăng 1.831 lớp.

Trước những số liệu trên, Bộ GDĐT cũng đưa ra dự báo về nhu cầu bố trí đội ngũ giáo viên mầm non. Trong đó, Bộ dự báo số lượng biên chế còn thiếu đến năm 2030 là 55.416 biên chế.

Bộ Chính trị đã giao theo Quyết định số 72 là 13.015 biên chế; còn 26.522 chỉ tiêu sẽ được Bộ Chính trị tiếp tục giao trong giai đoạn từ 2024-2026.

Số liệu biên chế chưa sử dụng của các tỉnh, thành phố (đến thời điểm tháng 8.2023) còn khoảng 28.413 chỉ tiêu chưa tuyển.

Như vậy, tổng biên chế sẽ còn đến năm 2026 là: 54.935 chỉ tiêu (trong đó: 28.413 chỉ tiêu chưa dùng và 26.522 chỉ tiêu Bộ Chính trị chưa giao theo Quyết định số 72).

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc và việc tuyển dụng giáo viên ở nhiều địa phương không đáp ứng được nhu cầu, do áp lực công việc của giáo viên mầm non rất lớn, thời gian làm việc dài, thu nhập thấp.

Để có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp đáp ứng nhu cầu về nguồn lực thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo, Bộ GDĐT đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Phổ cập giáo dục mầm non trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi và Dự thảo Nghị định triển khai thực hiện Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết có quy định cơ chế, chính sách để đảm bảo các nguồn lực thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo, trong đó có chính sách cho đối tượng trẻ em yếu thế; chính sách, cơ chế cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; cơ chế chính sách để đầu tư cho vùng khó khăn và xã hội hóa, khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập.

Hiện Bộ GDĐT đang thực hiện nhiệm vụ được giao là xây dựng trình Quốc hội ban hành “Nghị quyết thí điểm phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi tại một số tỉnh thành phố”.

Tuy nhiên, đến ngày 24.11.2023, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42, đưa chỉ tiêu đến năm 2030 "Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi".

Sau khi cân nhắc mục tiêu tại Nghị quyết số 42, Bộ GDĐT nhận thấy, trường hợp trình Quốc hội phê duyệt Nghị quyết thí điểm thì các tỉnh ngoài 14/63 tỉnh thành phố tham gia thí điểm không có căn cứ pháp lý để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo theo yêu cầu của Nghị quyết số 42.

Vì vậy, Bộ GDĐT đề xuất: Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt và ban hành Nghị quyết “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi” để tạo hành lang pháp lý cho các Bộ, ngành, các địa phương có cơ sở pháp lý triển khai đại trà việc phổ cập cho trẻ em mẫu giáo. Thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10.2024.

Trang Hà
TIN LIÊN QUAN

Những đối tượng được cộng điểm, tuyển thẳng vào lớp 10 THPT năm 2024

Vân Trang |

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 4 đối tượng được tuyển thẳng và 3 nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 THPT.

Chính sách tiền lương của y tế học đường đã được Bộ Nội vụ lắng nghe

TRÀ MY |

Bộ Nội vụ cho biết sẽ điều chỉnh, bổ sung quy định về vị trí việc làm và tiền lương đã khiến nhiều nhân viên y tế trường học yên tâm cống hiến với nghề.

Bộ Nội vụ phản hồi kiến nghị bổ sung nhân viên y tế học đường vào biên chế chính thức

Trang Hà |

Trên Cổng thông tin điện tử, Bộ Nội vụ thông báo việc sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí việc làm với nhân viên y tế học đường.

Tinh giản biên chế 82.295 công chức, viên chức

LƯƠNG HẠNH |

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long, từ năm 2016 đến năm 2023, đã tinh giản biên chế 82.295 người.

Khu vực ven sông Hồng ngổn ngang rác thải sau khi nước lũ rút

Việt Anh - Hoàng Xuyến |

Dù nước sông Hồng đã rút, nhưng khu vực gần cầu Long Biên, cầu Chương Dương (Hà Nội) mọi thứ vẫn còn ngổn ngang.

Phê chuẩn ông Lê Ngọc Châu làm Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đối với ông Lê Ngọc Châu.

Dân phố cổ Hội An chưa mặn mà đón khách thuê homestay

Hoàng Bin |

Sau hơn 4 tháng thí điểm mô hình đón khách lưu trú trải nghiệm cùng cư dân phố cổ Hội An, chỉ có 1 hộ dân đăng ký loại hình này.

Thi thể trôi sông được xác định là nạn nhân sập cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Thi thể nam giới phát hiện trưa 16.9 trên sông Hồng được xác định là nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu.