Xét nghiệm cả lớp có thiết thực?
Bộ Y tế vừa có hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Quy định này có nhiều điều chỉnh về cách xác định và thời gian cách ly F1 phù hợp hơn với thực tế, tuy nhiên, không ít cơ sở giáo dục băn khoăn về quy định một học sinh F0, cả lớp xét nghiệm.
Theo hướng dẫn, khi lớp học có học sinh F0, cán bộ y tế trường học và tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó.
Chia sẻ về quy định này, một lãnh đạo trường học tại quận Bình Thạnh bày tỏ băn khoăn về kinh phí mua kit test. “Với quy định mới này, nhà trường sẽ phải chi một khoản kinh phí mua kit test rất lớn trong khi học phí thì không thể điều chỉnh. Việc này thực sự khó cho các cơ sở giáo dục. Năm qua, chúng tôi đã kiệt quệ, vừa mới khởi động đã lo lắng về kinh phí để tiếp tục duy trì việc dạy và học”, người này cho hay. Vị này cũng bày tỏ lo ngại nếu bị xét nghiệm nhiều, sẽ khiến học sinh sợ hãi, đặc biệt là các cháu ở lớp nhỏ.
Còn ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) cho hay từ ngày 7 đến 24.2, nhà trường phát hiện 101 học sinh mắc COVID-19 tại nhà, không có ca nào phát hiện tại trường. Hầu hết các em đi chơi, đi du lịch cùng với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Trước khi dương tính thì các em đã có biểu hiện mệt mỏi, sổ mũi nên đã nghỉ ở nhà, 1-2 ngày sau xét nghiệm mới ra kết quả dương tính.
Chia sẻ về quy định mới của Bộ Y tế, ông Phú cho rằng nếu dựa trên văn bản chỉ đạo thì rõ ràng vướng phải vấn đề kinh phí. Trong ngân sách được phân bổ về các cơ sở giáo dục hiện nay không có kinh phí để mua kit test. Thực tế, việc mua kit test cũng rất khan hiếm.
Với Trường THPT Nguyễn Du, nếu như xuất hiện cùng 1 lúc 3 ca F0 trên cùng 1 lầu thì ít nhất phải test nguyên 1 lầu đó, xuất hiện 10 ca trên các dãy lầu khác nhau thì test toàn trường như vậy lượng cung cấp trên 1.000 kit test khó có thể đảm bảo. Ông Phú cho hay hiện chưa có tình huống đó xảy ra nhưng xét về tính khả thi thì nguồn kinh phí và thiết bị cung cấp tức thời không đảm bảo được; đó là chưa kể khó khăn trong các quy định về đấu thầu thiết bị y tế khi mua kit test với số lượng lớn.
Chú trọng tầm soát từ xa
Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du nhấn mạnh đến công tác sàng lọc từ xa. Hiện nay các trường sử dụng app hoặc thành lập vệ tinh giữa nhà trường và phụ huynh nên việc tầm soát dịch bệnh từ xa rất hiệu quả.
“Ở trường tôi, 20h hằng ngày, phụ huynh sẽ tương tác với giáo viên chủ nhiệm về tình hình sức khoẻ của các thành viên trong gia đình, nếu có biểu hiện thì học sinh nghỉ ở nhà, tiếp tục tầm soát và test khẳng định. Do đó, khi học sinh đến trường hầu hết không phát hiện dương tính tại trường mà phát hiện tại nhà”, ông Phú chia sẻ.
Ông Lê Thành Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bông Sao (quận 8) cho hay hiện nay việc xử lý khi có ca F0 rất cần sự phối hợp với Trung tâm Y tế đảm nhận việc này. Tuần trước, Trường Tiểu học Bông Sao có 1 ca F0 phát hiện tại nhà, sau đó, trung tâm y tế cũng đã đến xét nghiệm cho học sinh liên quan, lớp học đó tạm thời chuyển sang học trực tuyến 1 tuần. Qua thực tế xét nghiệm nhanh học sinh tại lớp khi lớp có F0 thì chưa thấy xuất hiện thêm trường hợp F0 nào.
Chia sẻ về khó khăn trong kinh phí xét nghiệm, ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GDĐT TPHCM cho hay Sở GDĐT và Sở Y tế TPHCM đang nỗ lực thực hiện để trang bị ngay cho cơ sở giáo dục công lập các kit test để xét nghiệm cho các F0, F1, học sinh trong lớp có F0.