Làm cán bộ Công đoàn trước hết phải có "Tâm”
Trong chương trình tọa đàm về “Nâng cao kỹ năng thương lượng, đàm phán cho cán bộ Công đoàn cơ sở” được tổ chức vào tháng 4.2021 tại TP. Đà Nẵng, khi được hỏi về thành công trong các cuộc thương lượng tại doanh nghiệp, ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam có thâm niên hơn 25 năm làm Công đoàn đã chia sẻ với chúng tôi 2 câu chuyện.
Câu chuyện thứ nhất là về bữa ăn sáng cho người lao động. Khi nhận thấy người lao động đi làm sớm không có thời gian ăn sáng, không thể đảm bảo sức khỏe cho chính người lao động và giảm năng suất đối với công việc, ông và tập thể Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đã nhiều lần tổ chức đối thoại để đề xuất các phương án nhằm đạt được sự chấp thuận của ban giám đốc công ty. Và kết quả của sự kiên trì, toàn tâm vì người lao động đã được thể hiện vào bản Thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp với nội dung: Công ty tổ chức mỗi suất ăn sáng trị giá 15.000 đồng cho người lao động, trong đó người lao động chỉ trả 4.000 đồng.
Câu chuyện thứ hai về mở siêu thị mini trong doanh nghiệp. Vào thời điểm dịch COVID-19 khởi phát tại Việt Nam, tâm lý người lao động rất hoang mang, lo lắng sự gia tăng giá gạo của thị trường với khả năng kinh tế của mình. Nắm bắt thời điểm và bắt kịp tâm tư đó, Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đã đề xuất doanh nghiệp mua gạo để bán cho người lao động với giá rẻ hơn từ 10-15% giá thị trường và được trả chậm qua lương.
Qua 2 câu chuyện, ông nhấn mạnh một điều, làm cán bộ Công đoàn cơ sở trước hết phải có tâm và sự quyết liệt với yêu cầu chính đáng, thiết thực của người lao động.
“Tâm” ở đây không chỉ là trái tim, là tâm tư tình cảm đối với người lao động, là tâm huyết với hoạt động công đoàn mà còn là tâm sự, là lòng dạ đối với người sử dụng lao động. Người cán bộ Công đoàn cơ sở nếu chỉ đứng một phía về người lao động để đòi hỏi mà không thấu hiểu, chia sẻ khó khăn thực tại của doanh nghiệp thì không thể mang lại chiến thắng cuối cùng cho cả hai bên trong quan hệ lao động.
“Tín” và “Tài”
Cán bộ Công đoàn cơ sở là người giữ vai trò trung gian giữa người lao động và người sử dụng lao động nhằm xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định tại doanh nghiệp.
Để mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động Công đoàn, cán bộ công đoàn cần có sự tín nhiệm, tin tưởng từ chính người lao động trong việc nhận trách nhiệm đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Nhưng để thuyết phục được người sử dụng lao động đồng ý các đề xuất, kiến nghị của mình, Công đoàn cơ sở còn phải có được uy tín với người sử dụng lao động thông qua những kết quả Công đoàn và người lao động cùng đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Hiện nay, nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở rất tâm huyết nhưng do chưa được đào tạo chuyên sâu, còn thiếu năng lực nên chưa tự tin, khó thuyết phục được người lao động và người sử dụng lao động.
Việc cán bộ Công đoàn phải nắm rõ quy định của pháp luật trong quan hệ lao động là điều cần thiết. Nhưng để vận dụng những kiến thức đó vào từng trường hợp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề phát sinh giữa các bên đòi hỏi người cán bộ Công đoàn ngoài tư chất tự nhiên sẵn có, phải nỗ lực rèn luyện, học tập, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn; từ đó hình thành những kỹ năng cần thiết để tham gia vào các hoạt động cụ thể như giải quyết tranh chấp, lãnh đạo đình công, thương lượng, đàm phán, tuyên truyền, vận động người lao động.