Học hỏi kinh nghiệm từ Báo Lao Động
Hơn 21 năm trước (năm 2001), từ quê nhà ở tỉnh Tiền Giang, tôi lên TPHCM làm việc ở Cty Nissei Electric Việt Nam. Khi đó, thực sự, tôi cũng chưa quan tâm đến Báo Lao Động. Nhưng kể từ khi được bầu vào BCH CĐCS (năm 2007) và đặc biệt từ khi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch CĐCS của Cty (năm 2009), tôi luôn theo dõi thông tin trên Báo Lao Động và xem đây là một kênh thông tin chính thống để kịp thời năm bắt chủ trương, chính sách, quy định pháp luật của Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐVN đối với đời sống, việc làm của CNLĐ và học hỏi được nhiều kinh nghiệm để áp dụng cho hoạt động CĐ của bản thân và của BCH CĐCS.
Báo Lao Động luôn kịp thời phản ánh những khó khăn, vất vả về đời sống, việc làm của CNLĐ và hoạt động của cán bộ CĐCS cũng như tổ chức CĐ Việt Nam. Rất nhiều bài báo của Báo Lao Động xuất phát từ việc bám sát thực tiễn đã phản ánh kịp thời, chân thật, chính xác đời sống, việc làm của CNLĐ trong cả nước, hay hoạt động của CĐCS, làm cơ sở để các cơ quan chức năng xây dựng, hoạch định chính sách đối với CNLĐ hay cán bộ CĐ, hay kịp thời sửa đổi, bổ sung (nếu có bất cập) và nhờ thế, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ được bảo vệ, hoạt động của cán bộ CĐCS thuận lợi hơn.
Báo Lao Động cũng thường xuyên viết bài về những gương điển hình, thành tích, đóng góp của CNLĐ và cán bộ CĐ vào việc xây dựng doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển về kinh tế - xã hội của TPHCM và cả nước. Sự phản ánh kịp thời đó là nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho CNLĐ, cán bộ CĐCS. Cá nhân tôi đã học được nhiều bài học quý giá về việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNLĐ và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp từ việc đọc Báo Lao Động.
Hỗ trợ cán bộ CĐCS chăm sóc công nhân
Khi viết những dòng này, tôi lại nhớ về thời điểm đầy gian khó của TPHCM đúng 1 năm trước. Khi đó, cả thành phố phải tạm dừng rất nhiều hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19. Hàng trăm ngàn công ty, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, hàng triệu CNLĐ không được đi làm, không có thu nhập, đời sống vô cùng khó khăn. Công ty chúng tôi cũng không phải là ngoại lệ, dù trước đó CĐCS đã thương lượng với chủ doanh nghiệp để CNLĐ được hưởng 75% lương cơ bản khi ngừng việc. Thế nhưng, rất nhiều CN, nhất là người ở trọ đời sống vô cùng vất vả, cần được trợ giúp.
Khi trao đổi với phóng viên Báo Lao Động tại TPHCM, các anh, chị phóng viên ngoài việc phản ánh tình hình, đã xin được một nhà tài trợ để hỗ trợ cho hơn chục CNLĐ của Cty, trong đó có người đang mang thai phải ở trọ, rất khó khăn. Chính các anh, chị ở Báo Lao Động đã bất chấp nguy hiểm khi đó, đi đến tận phòng trọ để trao quà tặng cho CN này. CNLĐ và chúng tôi, những cán bộ CĐCS thực sự cảm kích về việc làm này và càng thấy yêu quý Báo Lao Động hơn.
Dịch bệnh càng nặng thì càng đòi hỏi sự chăm lo từ CĐ cho CN nhiều hơn. Nhưng chúng tôi khi đó không có giấy đi đường, không thể ra ngoài được, khiến nhiều hoạt động chăm lo CN bị đình trệ. Có lần, bí quá, tôi đánh liều nhờ phóng viên Báo Lao Động chở giúp mình ra ngân hàng ký giấy chuyển tiền cho đơn vị bán hàng để chăm lo cho CN. Sau này, khi gặp nhau ở những sự kiện do CĐ tổ chức, chúng tôi nhắc lại về lần phải hoạt động đó và xem như một kỷ niệm khó quên trong đời hoạt động CĐ của mình và mong muốn sẽ không bao giờ phải lặp lại như thế.
Tôi mong muốn Báo Lao Động tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, đeo bám cơ sở, kịp thời có những tuyến bài sâu, phân tích khoa học, thuyết phục những vấn đề nóng của đời sống, việc làm của CNLĐ, hoạt động CĐ, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vất vả của CNLĐ và cán bộ CĐCS, nhất là tới đây khi có thêm tổ chức đại diện cho CNLĐ tại doanh nghiệp được phép ra đời, hoạt động.
Với tôi Báo Lao Động rất gần gũi và thân thương, là chỗ dựa tin cậy cho cán bộ CĐCS và CNLĐ.