BHXH bắt buộc với NLĐ nước ngoài tại Việt Nam: Khó thực hiện nhưng phải làm
HÀ NGUYÊN |
Gần 84.000 người nước ngoài làm việc tại VN
Tham dự hội thảo có Phó Tổng Giám đốc BHXH VN Trần Đình Liệu; nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân, đại diện Bộ Ngoại giao, Tổng LĐLĐVN, đại diện 11 Sở LĐTBXH, 11 BHXH tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và các Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nước ngoài, Ban quản lý các KCN và NLĐ…
Phó Tổng Giám đốc BHXH VN Trần Đình Liệu cho biết, BHXH bắt buộc đối với NLĐ nước ngoài đã được quy định cụ thể trong Luật BHXH năm 2014 nhằm đảm bảo bình đẳng, an sinh cho NLĐ nước ngoài tại VN; cũng như làm căn cứ trong các thoả thuận song phương, đa phương để quyền lợi, chế độ BHXH của NLĐ tại các nước được thực hiện thống nhất, tương đồng. “Tuy nhiên, việc xây dựng nghị định này đang gặp nhiều vướng mắc như việc thống nhất mức đóng, mức hưởng chế độ BHXH giữa các nước; liên thông dữ liệu giữa các quốc gia; việc chuyển đổi tiền tệ; quy định về thuế…
Do đó, thông qua hội thảo, Tổ soạn thảo rất mong lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện từ các đơn vị quản lý, đơn vị thực hiện, DN, NLĐ để hoàn thiện Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - ông Trần Đình Liệu chia sẻ.
Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) - nêu quan điểm, trong xu thế hội nhập, lượng NLĐ nước ngoài làm việc tại VN đang tăng nhanh; từ 12.602 người năm 2004 đến nay là gần 84.000 người. Hầu hết là NLĐ có trình độ, tay nghề cao; được cấp phép lao động. Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng, ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại VN là cần thiết.
Khoản 2, Điều 2, Luật BHXH 2014 quy định “NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại VN có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của VN cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ”. Do đó, dự thảo Nghị định do Bộ LĐTBXH soạn thảo, đề xuất đối tượng là NLĐ nước ngoài làm việc tại VN tham gia BHXH bắt buộc sẽ được thực hiện với cả 5 chế độ là: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất.
Việc thực hiện sẽ không dễ dàng
Đóng góp vào dự thảo, ông Hiroshi KaraShima - Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại VN - cho rằng, cần làm rõ đối tượng lao động được áp dụng của Nghị định này, cùng những đối tượng được loại trừ tham gia BHXH bắt buộc. Bên cạnh đó, cần có những hiệp định song phương về chính sách BHXH với các quốc gia khác để NLĐ nước ngoài làm việc tại VN không phải đóng BHXH hai lần ở cả hai nước…
Trong khi đó theo ý kiến của nhiều đại diện các DN, hầu hết NLĐ nước ngoài đều mong muốn được tham gia BHXH, tuy nhiên do đặc thù công việc ngắn hạn, theo các dự án nên NLĐ nước ngoài chỉ mong muốn được tham gia các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, tai nạn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, sau khi hết hợp đồng họ phải về nước ngay lập tức nên việc giải quyết chế độ BHXH có được kịp thời hay không và họ có được chọn đồng tiền theo mong muốn không? Mặt khác, trong dự thảo Nghị định còn nhiều từ ngữ có nhiều cách hiểu, khiến các DN khó giải thích cho NLĐ.
Ông Phạm Thanh Du - Phó Vụ trưởng Vụ Tài Chính kế toán (BHXH VN) - cho rằng: Việc thực hiện BHXH bắt buộc với NLĐ là công dân nước ngoài có thể phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong chi trả, ban hành mẫu sổ, mẫu hồ sơ, giấy tờ bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, đòi hỏi cán bộ ngành BHXH cũng như các cơ quan chức năng cần đầu tư nâng cao trình độ ngoại ngữ, ứng dụng CNTT, liên thông dữ liệu với các nước.
Với tư cách chuyên gia, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - nhận định, việc thực hiện BHXH bắt buộc với NLĐ nước ngoài là một xu thế chung, đòi hỏi từ thực tế, tuy nhiên việc thực hiện sẽ không hề dễ dàng. Để làm được việc này, điều kiện đủ là phải có những hiệp định song phương về BHXH giữa nước ta và nước sở tại NLĐ, để có thể quy đổi, thực hiện chính sách BHXH một cách liên thông, tương đồng, bình đẳng. Đây là vấn đề tốn nhiều thời gian và công sức; nếu không làm được thì bản thân NLĐ sẽ không mặn mà tuân thủ và việc thực hiện sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc BHXH VN Trần Đình Liệu góp ý: Dự thảo Nghị định cần xây dựng lại theo kiểu hiệp định song phương về BHXH giữa VN và các nước, trên cơ sở có đi có lại, bảo vệ quyền lợi NLĐ của cả hai nước. NLĐ phải được đóng hưởng mức lương ở nước sở tại; đảm bảo tính tương đồng về mức đóng, tỉ lệ hưởng, cộng nối thời gian công tác… Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng phải tính đến vấn đề pháp luật thuế, bảo vệ quyền con người, toàn diện hơn nữa.
Đại diện Tổ soạn thảo nghị định cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cơ quan, DN, NLĐ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định này.