Ngày 22.12, Ủy ban xã hội của Quốc Hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 8 tại TPHCM để cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về: Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tự chủ với các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước; xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, về trang thiết bị y tế, phát triển công nghệ, ngân sách Nhà nước cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; cấp chuyên môn, kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; về Hội đồng y khoa quốc gia, hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng ban soạn thảo và Ủy ban xã hội của Quốc Hội cần bổ sung vào Khoản 1, Điều 4 của Dự án Luật về việc ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước để hình thành cơ sở khám, chữa bệnh nơi có đông công nhân và hỗ trợ kinh phí cho đối tượng công nhân có thu nhập thấp trong khám, chữa bệnh.
“Thực tế cho thấy, trên địa bàn cả nước hiện nay, rất nhiều nơi có đông công nhân, nhưng không có cơ sở y tế của Nhà nước và lực lượng này đang không ngừng tăng lên. Công nhân và con của họ hầu hết còn nhỏ là đối tượng có nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh rất cao, trong khi thời gian làm việc của công nhân tại nhà máy rất căng kín, không có thời gian đi lại nhiều. Trong trường hợp có các sự cố liên quan đến sức khỏe của hàng ngàn NLĐ như dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm… nếu không có cơ sở khám, chữa bệnh gần có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của rất nhiều NLĐ. Do đó, trong dự án luật phải bổ sung việc ưu tiên bố trí ngân sách để hình thành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi có đông công nhân”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phân tích và đề xuất.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng trong dự thảo đã đề cập đến đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, tuy công nhân có mức lương cao hơn mức chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, nhưng thực tế một bộ phận công nhân rất nghèo. Không ít công nhân có mức lương gồm cả làm thêm từ 5 – 6 triệu đồng/tháng nhưng phải chịu nhiều chi phí như thuê nhà, tiền học của con, gửi về quê cho gia đình, sinh hoạt gia đình… Họ không thể trồng được rau, nuôi được cá, cấy được lúa như nông dân. Nông dân thường không mất tiền thuê nhà. Mấy năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành cho thấy, khi nhà máy, xí nghiệp đóng cửa, chỉ ít ngày sau, công nhân không còn gì để sống vì họ không có tích lũy.
Ở góc độ khác, cần quan tâm đến đối tượng trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nhưng cũng rất dễ bị tổn thương. “Bổ sung đối tượng công nhân lao động có thu nhập thấp để được hưởng ưu tiên về kinh phí trong khám bệnh, chữa bệnh là rất cần thiết, là nhu cầu chính đáng của NLĐ, luật cần ghi nhận. Sau khi Luật được ban hành, Chính phủ có hướng dẫn cụ thể thế nào là công nhân có thu nhập thấp”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu kiến nghị.
Điều 4 Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định về Chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh như sau:
1. Ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho các hoạt động sau đây:
a) Phát triển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc y tế cơ sở, hệ thống cấp cứu ngoại viện; tập trung đầu tư cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
b) Khám bệnh, chữa bệnh đối với người có công với cách mạng; trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo; người đang sinh sống ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người mắc bệnh tâm thần, phong; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm B theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;
c) Tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực truyền nhiễm, tâm thần, giải bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, hồi sức cấp cứu và các chuyên ngành, lĩnh vực khác cần ưu tiên để đáp ứng nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ;
d) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh