Hoạt động Công đoàn thực chất
An Giang hiện có 217 Công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp với gần 48.000 đoàn viên/54.000 công nhân lao động. Phần lớn các công đoàn cơ sở hoạt động ngày càng thực chất, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Tuy nhiên, tại một số CĐCS doanh nghiệp vẫn còn tình trạng công đoàn hoạt động mờ nhạt, thụ động, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp lao động và đình công, ngừng việc tập thể…
Để tiếp tục hướng dẫn, nâng cao chất hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang vừa triển khai Kế hoạch thực hiện mô hình “3 An”: An toàn, an tâm, an ninh trong doanh nghiệp. Với mô hình này, tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp phải phối hợp chủ doanh nghiệp tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm gắn liền quyền lợi, lợi ích của đoàn viên, người lao động cùng giải pháp cụ thể để tạo dựng môi trường làm việc hiệu quả, an toàn lao động và an ninh nơi làm việc.
Theo đó, CĐCS phối hợp cùng chủ doanh nghiệp thực hiện các nội dung tập trung vào đời sống, việc làm, tư tưởng của đoàn viên góp phần tạo nên môi trường làm việc ổn định, đảm bảo đời sống, an tâm về tư tưởng. Chủ động phối hợp thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, ký kết thỏa ước lao động tập thể chú trọng các nội dung về tiền lương, tiền thưởng, chất lượng bữa ăn giữa ca...
Triển khai “3 An” tại 217 CĐCS
Để xây dựng môi trường làm việc “An toàn”, Công đoàn cơ sở tập trung vào các nhiệm vụ phối hợp người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn; bồi dưỡng kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động; trang bị thiết bị bảo hộ lao động và môi trường làm việc thông thoáng, đảm bảo cơ sở vật chất về phòng tắm, vệ sinh sạch sẽ; đề xuất người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe ít nhất 01 lần/năm cho người lao động (có khám sức khỏe theo đặc thù giới tính nữ); Kiện toàn, nâng cao chất lượng mạng lưới an toàn, vệ sinh viên trong các doanh nghiệp thực hiện tốt hoạt động tuyên truyền, giám sát; xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc… phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; Tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo thực hiện nghiêm, đúng về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19...
Đi liền với môi trường làm việc an toàn đó chính là sự “An ninh”. Điển hình, phối hợp thành lập mô hình tự quản, tự bảo vệ an ninh, trật tự, vật tư, tài sản trong doanh nghiệp thông qua nhóm, tổ, đội tại các bộ phận, các chuyền làm việc.
Đề xuất người sử dụng lao động phối hợp cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy, quấy rối tình dục, tín dụng đen... Tuyên truyền, giới thiệu kịp thời đến NLĐ có nhu cầu vay vốn về tổ chức tài chính vi mô CEP (quỹ trợ vốn cho NLĐ) hạn chế tình trạng vay nặng lãi và tín dụng đen; Đổi mới hình thức, đa dạng các kênh tuyên truyền phù hợp theo loại hình doanh nghiệp kết hợp truyền thông báo chí của Trung ương và địa phương, các trang Facebook công đoàn. Thành lập các nhóm Zalo trong công nhân lao động để phổ biến, tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin...
Mô hình “3 An” sẽ được Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai thực hiện đồng loạt tại 217 CĐCS doanh nghiệp. Trong đó, năm 2022, thực hiện thí điểm tại 3 đơn vị có đông lao động gồm: CĐCS công ty CP Dược phẩm An Giang, CĐCS công ty TNHH May mặc Lu An (thuộc CĐ khu công nghiệp tỉnh) và CĐCS công ty TNHH MTV Vỹ Thịnh (thuộc LĐLĐ huyện Phú Tân).