Mua máy tính cũ để con học online ở quê
Anh Cao Văn Cảnh có 2 con, trong đó, một cháu năm nay lên lớp 2 đang được gửi về quê cho ông bà. Trước đây, cháu ở cùng với anh chị ở trên Hà Nội. Cuối tháng 4.2021, khi các trường nghỉ học để phòng chống dịch, trong khi anh chị vẫn phải đi làm, không có người trông, nên anh đành phải gửi cháu về với ông bà ở Thanh Hoá. Trước khi thôn Bầu nơi anh thuê trọ phong toả để phòng chống dịch, anh rất muốn đón con lên để chuẩn bị cho con vào năm học mới, nhưng do không có xe khách chạy nên anh đành gửi cháu ở quê.
“Bây giờ tôi đang rất muốn đón con lên, bởi cả hai vợ chồng đều đang nghỉ làm ở nhà khi thôn bị phong toả, có thời gian để hỗ trợ con. Nhưng tôi không biết theo các quy định hiện nay thì tôi có về đón được cháu không. Tôi không rõ là khu tôi ở đang bị phong toả thì cần điều kiện gì; nếu về Thanh Hoá thì cần giấy tờ gì. Tôi có tìm hiểu trên mạng nhưng không rõ ràng lắm, hiện giờ tôi chưa biết hỏi ai”- anh Cảnh băn khoăn.
Vừa rồi, cô giáo tại trường con anh theo học ở Kim Chung đã thông báo với anh ngày 5.9, nhà trường khai giảng, sau đó sẽ học online từ ngày 6.9. Vẫn biết trước là thời gian đầu của năm học này, cháu sẽ phải học online, nhưng thông tin chính thức này vẫn khiến anh rất lo, nhất là khi con đang ở quê.
Để chuẩn bị cho con học online, anh đã nhờ các cháu (con chú, bác ở nhà) mua giùm chiếc máy tính cũ với giá 7 triệu đồng, đồng thời cài chương trình để học online trên máy.
“Mặc dù ông bà đã có điện thoại thông minh, nhưng nếu cháu sử dụng màn hình nhỏ nhiều, sẽ rất hại mắt, đồng thời, bất tiện trong quá trình học, làm bài tập, nên tôi đành phải “cắn răng” mua một chiếc máy tính cho cháu học”- anh Cảnh kể.
Nhưng điều anh băn khoăn nhất là cháu sẽ học online như thế nào khi mà tuổi còn nhỏ, chưa rành sử dụng máy tính, lại thiếu tập trung. Trong khi đó, ông bà ở nhà đã ngoài 60 tuổi, không biết sử dụng máy tính, khó có thể giúp cháu trong suốt quá trình học online.
Để giải quyết vấn đề khá nan giải này, anh Cảnh đành trông chờ vào các cháu (con chú, bác) ở quê -vốn rành về máy tính - hỗ trợ cháu trong khi học. “Nếu có ngày nào mà các cháu không hỗ trợ được, thì tôi sẽ gọi video về nhà hướng dẫn cho ông bà sử dụng máy, chạy chương trình học một vài buổi đầu, sau đó thì hy vọng ông bà sẽ tự làm được”- anh Cảnh dự tính.
Không muốn cho con học tạm ở quê
Khi được hỏi tại sao không tạm cho cháu học ở quê, khi nào hết giãn cách sẽ đón cháu lên học tiếp ở Hà Nội, anh Cảnh cho biết, mặc dù xin học tạm ở quê rất dễ, nhưng anh không muốn.
“Lý do là vì có thể bộ sách giáo khoa ở trường quê khác với ở trường nơi cháu theo học ở Hà Nội. Nếu như vậy thì sau này khi lên Hà Nội học tiếp, rất khó cho sự tiếp thu của cháu. Cháu lại phải bắt đầu lại từ đầu, rất khó theo được chương trình”- anh Cảnh giải thích.
Ngoài ra, việc học ở quê còn phát sinh một vấn đề khác, đó là khi cháu bắt đầu làm quen với môi trường học tập ở quê thì lại phải chuyển đi lên Hà Nội, lại phải làm quen với môi trường mới. “Điều này, tôi nghĩ sẽ ảnh hưởng tâm lý rất lớn đến cháu, khi mà cháu còn rất nhỏ tuổi”- anh Cảnh chia sẻ.
Hiện giờ, vợ chồng anh Cảnh đang nghỉ ở nhà. Dù chưa được thông báo cụ thể, nhưng anh Cảnh chắc chắn một điều thu nhập của mình sẽ giảm đi nhiều, hoặc thậm chí là không có. Lo lắng cho thu nhập của gia đình mình sắp tới, anh còn nghĩ đến lúc đón con lên mà con vẫn phải học online, trong khi vợ chồng phải đi làm, thì không biết ai sẽ trông con và con sẽ học như nào.
“Tôi hy vọng lúc đó, sau nhiều lần hướng dẫn, cháu sẽ biết sử dụng máy tính để có thể sử dụng một mình. Nhưng cháu mới học lớp 2, quả thực tôi sẽ không thể yên tâm khi cháu phải ở nhà một mình”- anh Cảnh chia sẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không ít gia đình công nhân đã phải “cắn răng” bỏ tiền mua máy tính cũ để chuẩn bị cho con học online trong thời gian tới. Họ rất mong dịch được kiểm soát để các công việc trở lại bình thường; các con được đến trường như trước đây…