Năm nay ít việc nên công ty anh Nguyễn Tiến Mạnh (30 tuổi) đã quyết định cho công nhân nghỉ Tết sớm từ ngày 25 tháng Chạp đến hết ngày 9 tháng Giêng. Anh Mạnh cũng đã bắt đầu hành trình về quê ăn Tết từ ngày 25 tháng Chạp để sớm đoàn viên cùng gia đình. Hiện tại, anh Mạnh đang làm công nhân lái máy xúc tại Quảng Ninh, quê gốc ở Nam Định.
Vì quê nhà cách nơi làm việc chỉ hơn 150km nên anh Mạnh đã quyết định lựa chọn xe máy để di chuyển. Theo nam công nhân, cách di chuyển này vừa tiết kiệm chi phí vừa đỡ phải chen chúc trên xe khách. Bởi giá vé ngày Tết đã tăng gần gấp đôi so với ngày thường, muốn có ghế ngồi phải ra sớm ít nhất 2 tiếng.
7h sáng bắt đầu khởi hành, 9h30 sáng về đến nhà anh Mạnh đã cùng bố mẹ và anh chị em mổ lợn để ăn tất niên, dọn nhà và gói bánh chưng. “Quây quần bên người thân làm cỗ, ăn uống bao nhiêu muộn phiền, vất vả của công việc bỗng chốc như tan biến” - anh Mạnh chia sẻ.
Chia sẻ với Lao Động, nam công nhân cho biết, dù năm nay công việc không thuận lợi nhưng thưởng Tết vẫn được giữ nguyên 1 tháng lương cơ bản. Cộng với khoản thưởng 1 tháng lương cơ bản của vợ, anh Mạnh không phải lo lắng nhiều cho việc sắm Tết.
Nói về dự định trong năm mới, anh Mạnh cho hay vẫn sẽ gắn bó với công việc hiện tại. Một phần vì công việc dù có vất vả nhưng không áp lực tinh thần, phần nữa vì thu nhập cao hơn nhiều so với làm công nhân tại quê nhà. Hiện thu nhập của anh Mạnh là 12 triệu đồng/tháng, tháng cuối năm được 11 triệu đồng.
Bên cạnh đó, anh Mạnh cũng mong sang năm công ty sẽ nhận được nhiều gói thầu hơn. Như vậy, các công nhân sẽ không phải nghỉ Tết sớm hay nghỉ luân phiên trong năm. Như năm 2022, anh Mạnh và các công nhân làm đến 27 Tết mới nghỉ, không những thu nhập cao mà còn được thưởng thêm 1 triệu đồng.
Mặc dù công ty thông báo làm hết ngày 27 mới nghỉ Tết nhưng chị Nguyễn Thị Thêu (36 tuổi) đã quyết định xin nghỉ từ ngày 25 tháng Chạp. Lý do được chị chia sẻ là về sớm để tiết kiệm chi phí xe khách, đồng thời về phụ chị họ bán hàng với thu nhập khá hấp dẫn.
Hiện tại, chị Thêu đang là công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội, quê gốc ở Nghệ An. Khoảng cách di chuyển hơn 300km nên chị chọn đi xe khách giường nằm trong đêm, hơn 6 tiếng mới về đến nhà. Giá vé ngày 24 Tết là 250.000 đồng/người, nếu về ngày 27 phải 350.000 đồng/người.
Năm nay, chị họ đã ngỏ ý nhờ chị Thêu về phụ bán hàng 5 ngày Tết, được trả công 400.000 đồng/8 tiếng. "Mức thu nhập này cao hơn 100.000 đồng so với làm công nhân. Vì còn phép nên những ngày nghỉ Tết sớm, tôi vẫn được trả lương đầy đủ. Quan trọng hơn, tôi sẽ có nhiều thời gian đoàn viên hơn với gia đình vì một năm về quê không nhiều" - chị Thêu nói.
Những ngày Tết, chị Thêu bán hàng từ 14h chiều đến 22h tối vì đây là thời điểm đông khách nhất. Buổi sáng, nữ công nhân sẽ tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, cùng chồng đi mua cây quất, sắm đồ đạc ngày Tết và quần áo mới cho bố mẹ, con cái. "Ở bên gia đình lúc nào cũng vui và hạnh phúc” - chị Thêu chia sẻ.
Cả hai vợ chồng chị Thêu đều làm cùng một công ty nên tổng thưởng Tết được 2 tháng lương cơ bản, gần 10 triệu đồng. Với mức thưởng Tết này, theo nữ công nhân, đã đủ để sắm Tết ở nông thôn. Như năm ngoái, hai vợ chồng chị chỉ tiêu hết 4 triệu đồng tiền sắm Tết, 2 triệu đồng dành để lì xì, còn lại biếu bố mẹ hai bên.
Dự định trong năm mới, chị Thêu cho hay, đang có kế hoạch mở một cửa hàng tạp hóa, bán thêm sữa trẻ em tại quê nhà. Tuy nhiên, nửa năm đầu tiên, hai vợ chồng chị vẫn sẽ ra Hà Nội làm việc ở công ty cũ. Sau nửa năm xem xét thị trường cũng như chuẩn bị đủ vốn mới bắt đầu thực hiện kế hoạch.