Cty phải thực hiện đúng Luật Lao động!
Các nhân viên cho biết, mức lương 1,28 triệu đồng/người/tháng đã duy trì được hơn 10 năm nay, từ lúc Cty đi vào hoạt động (2006). NLĐ cũng đã gửi đơn nhiều lần nhưng đều bị bác bỏ và người viết đơn bị cho thôi việc, nên không ai dám đòi hỏi thêm. Gần đây, họ quyết tâm đoàn kết cùng đưa ra yêu cầu tăng lương.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, NLĐ có HĐLĐ thời hạn 3 tháng trở lên phải được tham gia BHXH bắt buộc. Một nữ nhân viên caddy cho biết, có trường hợp bị tai nạn nghề nghiệp như bị bóng đánh vào mặt, phải đi phẫu thuật hết 10 triệu đồng, nhưng không có BHYT, Cty không hỗ trợ gì; may mà vị khách gây ra vụ việc đã chi trả tiền chữa trị.
Ông Ngô Văn Minh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Sóc Sơn - khẳng định: “Khi đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Sóc Sơn làm việc với Cty vào ngày hôm nay (5.5), LĐLĐ huyện sẽ phối hợp với Phòng LĐTBXH yêu cầu Cty phải nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật lao động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ”.
Xuất hiện cam kết “lạ”
Liên quan đến vụ việc này, các nhân viên caddy đã cung cấp một số bản cam kết “lạ” đề ngày 2.5. Theo các nhân viên caddy, bản cam kết này do Cty đưa ra. Một số người đã đồng ý ký, còn hầu hết không ký.
Bản cam kết một bên là chữ ký của ông Nguyễn Văn Nam - Quyền giám đốc Cty sân golf Hà Nội, một bên là chữ ký của nhân viên caddy. Ngoài nội dung nghiêm chỉnh chấp hành những nội quy, quy định của Cty; NLĐ còn phải cam kết tự nguyện và đồng ý nhận mức lương 2 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ LĐ (Tổng LĐLĐVN) - điều khoản trên trong bản cam kết mà Cty soạn ra để NLĐ ký không đúng pháp luật, bởi mặc dù nguyên tắc của pháp luật lao động là tôn trọng sự thỏa thuận giữa hai bên, nhưng không được trái pháp luật. Mức lương 2 triệu đồng/người/tháng vẫn thấp hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho huyện Sóc Sơn là 3,75 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó, Bộ luật LĐ quy định, mức lương của NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
Cũng trong ngày 4.5, phóng viên đã kết nối điện thoại với ông Nguyễn Văn Nam - Quyền Giám đốc Cty CP sân golf Hà Nội. Lý giải về mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng trả cho caddy, ông Nam cho rằng, ngoài tiền lương, caddy còn được trả phụ cấp, tức là tiền fee (tiền công đi sân, 50.000đ/lần) và tip (tiền khách tặng). Theo ông Nam, mỗi lần đi sân, caddy được 300.000 đồng/người trở lên; tính ra thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, luật quy định, tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng LĐ trả cho NLĐ để thực hiện công việc theo thỏa thuận, do vậy, không thể tính cả tiền tip, tiền công đi sân vào tiền lương theo cách tính của
ông Nam.
Nói về hướng giải quyết vụ việc, ông Nam cho biết, Cty đã thông báo tuyển thêm caddy, đồng thời tất cả caddy (đang tham gia ngừng việc) có nhu cầu vào làm việc thì Cty vẫn nhận, sẽ tạo điều kiện cho tất cả vào làm việc và NLĐ phải cam kết không xảy ra bất cứ chuyện đình công mà không báo trước. Ông Nam nói thêm, các nhân viên mới và NLĐ đang ngừng việc mà muốn trở lại làm việc sẽ được đáp ứng mức lương đầy đủ; đối với các chế độ của Nhà nước liên quan sẽ được giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên, ông không nói cụ thể mức lương.
Cách trả lời của ông Nam thật lạ lùng, bởi lẽ, NLĐ đang ngừng việc tập thể, nhưng họ vẫn đang là nhân viên của Cty, chứ không phải đã bị thôi việc mà Cty lại nhận lại.
Về phản ánh của NLĐ không được tham gia BHXH, ông Nam nói, nếu NLĐ “có nguyện vọng đóng thì đóng thôi, chuyện đó đơn giản mà, cũng không có khó khăn gì” (?).
Được biết, dự kiến trong ngày hôm nay (5.5) sẽ diễn ra buổi đối thoại giữa lãnh đạo Cty và nhân viên caddy để giải quyết vụ việc.