Không thể mua nhà
Chị Hương quê ở Quảng Trị, có thâm niên hơn 10 năm làm việc trong khu công nghiệp Hoà Khánh của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên đến thời điểm này, chị Hương và gia đình vẫn chưa thể có được nhà riêng và đang thuê trọ tại phường Hoà Khánh Nam, quận Liên Chiểu.
“Người lao động như chúng tôi, nếu chỉ trông chờ vào tiền lương và làm thêm giờ mà muốn có được nhà riêng thì chỉ có thể mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, giá nhà ở xã hội ở Đà Nẵng thời điểm này rất cao, gần 700 triệu đồng một căn chung cư. Đây là một số tiền quá lớn đối với thu nhập và tích luỹ của công nhân lao động như chúng tôi” - chị Hương nói.
Ông Hoàng Hữu Nghị - Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng - cho biết: Ở Đà Nẵng, hiện có hàng nghìn “chị Hương” đang gặp khó khăn và bức xúc về vấn đề nhà ở. Có rất nhiều công nhân ngoại tỉnh làm việc đã gần 20 năm trong các khu công nghiệp nhưng vẫn phải thuê nhà trọ.
Không có tiền tích luỹ, những “chị Hương” chỉ có cách đi vay. Tuy nhiên, các kênh vay vốn đều rất khó tiếp cận, thủ tục vay của các ngân hàng tín dụng rất phức tạp, người lao động như “chị Hương” không thể nào đáp ứng được.
Cần có các gói vay ưu đãi
Thời gian gần đây, nhiều công nhân lao động ở Đà Nẵng tiếp cận được với các gói thuê nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo lời chị Hương thì cũng “trầy vi tróc vảy” do phần lớn nhà ở xã hội được xây dựng rất xa nơi công nhân lao động làm việc, di chuyển không những mất thời gian và còn không chịu nổi tiền xăng xe.
“Chính quyền các cấp cần có chủ trương cho xây thêm các nhà ở xã hội cho công nhân lao động thuê tương ứng với từng cụm khu công nghiệp gần nhau để việc người lao động như chúng tôi đi lại thuận tiện, giảm chi phí xăng xe, thời gian đi làm” - chị Hương đề xuất.
“Nguyện vọng chung của người lao động ở Đà Nẵng là Chính phủ cần có các gói vay cho dân sửa chữa các phòng trọ cho công nhân đảm bảo điều kiện sống. Có các gói vay ưu đãi cho công nhân mua nhà và xây nhà. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho công nhân trong khuôn viên doanh nghiệp” - ông Hoàng Hữu Nghị cho biết.
Về phía địa phương, ông Hoàng Hữu Nghị cho hay, người lao động đề xuất cần có cơ chế với chủ hộ kinh doanh nhà trọ giảm giá cho người lao động làm việc, sinh sống ổn định tại địa phương. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho công nhân như hỗ trợ nhà trọ, hỗ trợ công nhân có con nhỏ, hỗ trợ cấp phát thuốc, hỗ trợ y tế, hỗ trợ vốn vay ưu đãi để công nhân tăng gia sản xuất kiếm thêm thu nhập ngoài lương...
Người lao động ở Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ có điều tiết, bình ổn giá cả để đời sống người lao động được ổn định. “Hai năm liền, tiền lương tối thiểu vùng không được điều chỉnh, trong khi việc làm, tiền lương, sức khỏe của chúng tôi đều giảm sút do ảnh hưởng nặng nề của COVID- 19. Thời điểm này, đời sống người lao động chúng tôi rất khó khăn, trong khi vật giá của hàng hóa thiết yếu lại leo thang theo giá xăng. Nếu cứ kéo dài thế này chúng tôi không trụ nổi” - chị Hương nói.
Vấn đề nữa là ở Đà Nẵng, công nhân lao động sau giờ làm thường mua thực phẩm ở chợ cóc, vỉa hè, do đó mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo.
Vì vậy, người lao động đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi bán ra cho người tiêu dùng. Đồng thời, đầu tư các siêu thị bình ổn giá cho người lao động mua sắm, tiêu dùng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.