Khi lương chưa đủ sống
Sau một ngày làm việc tại Công ty TNHH Khánh Sủng (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) vợ chồng anh Lý Trường Giang trở về phòng trọ chưa đầy 20m2 để nghỉ ngơi, cơm nước. Căn trọ không có gì quý giá ngoài bếp gas, vài vật dụng dùng để nấu ăn, chiếc quạt máy cũ kỹ. Bữa ăn của anh chị cũng chỉ có rau củ, ít cá.
Anh Giang chia sẻ, vợ chồng anh ở xã Vĩnh Quới (Thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) cách công ty khoảng 60km. Do công việc vào sớm ra muộn nên phải ở trọ để thuận tiện đi lại. Hai đứa con được gửi về quê ở cùng ông bà nội. “Vợ chồng tôi làm công nhân, tổng thu nhập mỗi tháng được gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí thuê nhà trọ mỗi tháng cộng thêm tiền điện, nước cũng hơn 1,5 triệu đồng; rồi gửi cho ông bà ở quê nhờ chăm sóc, tiền ăn học cho các con khoảng 4 triệu đồng. Số tiền còn lại, chúng tôi phải chi tiêu dè dặt mới đủ” - anh Giang chia sẻ.
Tương tự, chị Lê Anh Xuân - công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (tỉnh Sóc Trăng) - cũng phải gồng gánh nhiều chi phí trong khi nguồn thu nhập có hạn.
Chị Xuân cho biết, hiện nay thu nhập của chị khoảng 8 triệu đồng, nếu tăng ca thì khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó chị còn nuôi mẹ già, con cái học hành, tiền điện nước, chi phí xăng xe đi lại đã 7,5 triệu đồng.
“Làm công nhân đã 3 năm nay, thu nhập chỉ đủ để lo chi phí trong gia đình nên gần như không tiết kiệm được gì từ tiền lương, chuyện muốn mua sắm cho bản thân cũng phải đắn đo suy nghĩ” - chị Xuân bùi ngùi nói.
Chị Sơn Thị Kim Tiền - công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta - chia sẻ, điều kiện sống của đa phần công nhân là tạm bợ, lo có việc làm đã đủ mệt nên không có thời gian nghĩ đến vui chơi giải trí, đi đây đi đó. “Giá thuê nhà trọ hiện nay 1 triệu đồng/tháng, tiền điện nước, ăn uống và lo cho 2 con đi học nữa là 8 triệu đồng. Lương của tôi 9 triệu đồng/tháng, so với chi tiêu hằng ngày là không thể đủ”.
Mong tăng ca, tăng lương
Thu nhập không tăng mà còn có xu hướng giảm do giãn ca, giảm giờ làm nên số đông người lao động bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ sớm điều chỉnh lương tối thiểu vùng để họ bớt gánh nặng mưu sinh.
Chị Sơn Thị Kim Tiền chia sẻ, năm nay nhiều mặt hàng đều tăng, từ giá cả sinh hoạt, điện nước cũng tăng, chi phí lương thực tăng... trong khi lương không tăng nên cuộc sống người lao động vô cùng khó khăn.
“Lương căn bản chỉ được từng đấy. Giờ chỉ mong điều chỉnh lương tối thiểu vùng để có thêm thu nhập lo cho gia đình, con cái chứ chưa tính đến việc có tích lũy phòng khi bị giảm hoặc mất việc. Chúng tôi đã vất vả với công việc mà còn phải đau đầu với bài toán chi tiêu” - chị Tiền nói.
Theo chị Xuân, công nhân ai cũng mong mỏi được tăng lương. Biết doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên công nhân không đòi hỏi phải tăng cao.
Còn anh Thạch Hoài Nam - công nhân Công ty TNHH Khánh Sủng - cho biết: Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều đồng nghiệp khác phải cật lực tăng ca mới đủ sống nên thời gian nghỉ ngơi, vui chơi giải trí ngày càng ít đi. Đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần cũng rất nghèo nàn.
“Tôi và rất nhiều anh chị em công nhân mong mỏi Hội đồng Tiền lương Quốc gia xem xét, điều chỉnh mức nâng lương tối thiểu phù hợp để công nhân chúng tôi sống được bằng lương” - anh Nam nói.
Trong khi chờ lương tăng, vợ chồng anh Lý Trường Khánh chỉ mong được tăng ca mỗi ngày để có thêm thu nhập. Vợ chồng anh không dám nghĩ nhiều đến tương lai ở thành phố bởi cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau.
Anh Giang nói rằng, có thể vài năm nữa cả nhà sẽ hồi hương, tìm một công ty ở quê để tiếp tục làm công nhân, hoặc quay về với mảnh ruộng của ông bà.