Ngày 27.12, ông Ngô Đức Thắng – Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang – cho biết, trong số các doanh nghiệp đã báo cáo về thưởng Tết, có 1 doanh nghiệp thông báo cho biết sẽ thưởng Tết Âm lịch cho công nhân một tháng lương thứ 13 (khoảng 4 triệu đồng), nhưng sẽ chia làm 2 lần: 50% trước Tết, còn lại sẽ trả sau Tết. Song song với đó, doanh nghiệp này sẽ tạm ứng nửa tiền lương tháng 1.2020 cho công nhân.
Theo nhận định của ông Thắng, đây là cách để doanh nghiệp giữ chân người lao động.
“Tại các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, thời điểm sau Tết, tỷ lệ biến động lao động là khoảng 5-10%. Trong khi các doanh nghiệp dệt may tương đối ổn định do người lao động chủ yếu ở trong tỉnh thì các doanh nghiệp ngành điện tử, do có nhiều lao động ngoại tỉnh nên sau Tết hay xảy ra tình trạng biến động lao động” – ông Thắng thông tin.
Ông Thắng bày tỏ quan điểm doanh nghiệp nên trả hết tiền thưởng Tết cho người lao động vào cuối năm. Công đoàn khi tham gia xây dựng phương án thưởng Tết cho người lao động cũng cần đề xuất trả hết một lần cho người lao động.
Theo ông Thắng, nếu muốn giữ chân người lao động, doanh nghiệp cần có chế độ đãi ngộ tốt cho người lao động xuyên suốt cả năm, để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Về phía người lao động, theo khảo sát của phóng viên, hầu hết người lao động đều muốn doanh nghiệp trả một lần vào dịp cuối năm.
Chị Nguyễn Thị Thanh (công nhân Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ: “Công nhân cố làm đến hết cuối năm để mong lấy tiền thưởng đi sắm Tết mà doanh nghiệp lại chia đôi ra như vậy thì dĩ nhiên là công nhân không hài lòng. Về lương có thể phải trả theo đúng lịch trả cho doanh nghiệp, nhưng thưởng Tết mà doanh nghiệp cũng trả sau Tết thì chắc là nhiều công nhân sẽ phản đối”.
Thực tế cho thấy, tại một số địa phương đã xảy ra các vụ công nhân đình công do phản ứng lại quyết định chia thưởng Tết thành 2 lần trước và sau Tết.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định, đây là một cách để doanh nghiệp “giữ chân” người lao động sau Tết.
Theo ông Quảng, tuy số doanh nghiệp dùng cách này không nhiều và việc này cũng không vi phạm pháp luật, nhưng đây không phải là biện pháp tốt. Doanh nghiệp cần có những giải pháp quan tâm, chăm sóc người lao động thường xuyên, tốt hơn cho người lao động để người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Ông Quảng cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi chỉ đạo các cấp công đoàn khi tham gia xây dựng lương, thưởng Tết cho người lao động thì nên đưa ra đề xuất trả thưởng Tết 1 lần cho người lao động.