“Tháng sau không biết lấy gì tiêu”
Giọng đầy buồn bã, anh Trần Võ Hùng Việt, nhân viên Cty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TPHCM) nói về hoàn cảnh hiện tại. Đã 15 ngày qua, anh Việt bị nhiễm COVID-19 và phải đi cách ly, điều trị tại bệnh viện nhưng vẫn chưa được xuất viện.
Vợ anh Việt là giáo viên mầm non, nghỉ việc hơn 1 năm qua, mới đi làm trở lại được ít ngày. Hơn 1 năm qua, cả nhà anh Việt (hai vợ chồng, hai đứa con) sống nhờ tiền lương của anh nên cuộc sống rất khó khăn. Từ sau Tết Âm lịch đến nay, gia đình anh Việt càng thêm khó khăn khi nhiều mặt hàng phục vụ sinh hoạt đời sống hằng ngày đều tăng giá, nhất là khi giá xăng tăng cao mọi vật giá đều leo thang theo. Hai con anh đang học mầm non, cháu lớn học trường công chi phí còn “dễ thở”, cháu nhỏ học ở trường tư tiền trường tăng từ hơn 4 triệu lên gần 6 triệu đồng/tháng. Anh Việt cho biết, anh có đóng BHXH nên khi nghỉ việc để điều trị bệnh sẽ được hưởng chế độ ốm đau nhưng khoản tiền này chắc chắn không bằng tiền lương và thu nhập khi đi làm. Vì thế, tháng sau gia đình anh sẽ càng khó khăn hơn.
Cùng làm tại Cty Nidec Việt Nam và cũng bị nhiễm COVID-19 nhưng đang cách ly cùng con nhỏ cũng là F0 tại nhà ngày thứ 5, chị Thảo Ngát cho biết, chồng chị làm công việc tự do nên thu nhập thất thường, khi có khi không. Cuộc sống của hai vợ chồng và hai con nhỏ chủ yếu phụ thuộc tiền lương đi làm của chị. Trong khi đó, mọi thứ bây giờ đều lên giá, tiền lương năm nay Cty chỉ tăng 5% không đáng bao nhiêu. Tiền cho con nhỏ 5 tuổi học mẫu giáo cũng tăng từ 2,3 triệu lên gần 3 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi may mắn không phải trả tiền thuê nhà trọ như nhiều anh chị em công nhân khác, nhưng hằng tháng vẫn phải trả tiền vay của ngân hàng khi mua nhà trả góp, nên bị bệnh nhiễm COVID-19 phải nghỉ ở nhà, thu nhập giảm sút cuộc sống lại càng khó khăn hơn” - chị Ngát than thở.
Cố tính toán để đảm bảo chi phí cho gia đình
Từ mấy ngày qua, cả nhà chị Nguyễn Thị Thanh Hóa, CN Cty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1, hiện đang ở trọ phường Linh Trung, TPHCM) cùng bị F0. Chị Hóa cho biết, mẹ chị và con nhỏ 10 tháng tuổi cũng bị F0 nên chị phải nghỉ ở nhà không đi làm được. May mắn cho chị, công đoàn Cty đã thương lượng với Ban Giám đốc vẫn chi trả tiền 75% lương cơ bản cho tất cả lao động bị F0 và duy trì từ năm 2021 đến nay, nên những ngày phải nghỉ làm chị vẫn có một ít tiền để sinh hoạt cho cả gia đình. Thế nhưng, do giá cả tăng nên chị cũng phải tính toán để đảm bảo dinh dưỡng cho con nhỏ. “Một hộp sữa cho con tôi (dùng được 20 ngày) bình thường là 400.000 đồng nay tăng lên 437.500 đồng; bịch tã cũng tăng từ 290.000 đồng lên 305.000 đồng. Chưa kể thịt, cá, rau, cỏ… cái gì cũng tăng, nên mình phải tính toán chi tiêu sao cho đủ. Mình có nhịn chút ít cũng được, nhưng phải bảo đảm dinh dưỡng cho con” - chị Hóa nói.
Còn chị Phạm Thị Hồng Nhung, nhân viên Cty Cổ phần In số 7 (KCN Tân Tạo, TPHCM), người vừa hoàn thành thời gian cách ly do bị F0 cũng chia sẻ hiện nay mọi thứ đều tăng giá nên phần nào ảnh hưởng đến đời sống của gia đình NLĐ. Chị Nhung cho biết, nhiều hôm đi làm về trễ không kịp nấu ăn nên chị mua đồ ăn bên ngoài về cho cả gia đình. Một phần ăn trước đây mua khoảng 40.000 - 45.000 đồng nay cũng tăng lên 50.000 đồng; một bình gas cũng tăng lên xấp xỉ gần 500.000 đồng nên ít nhiều tác động đến cuộc sống. Chị Nhung nói: “Giá cả mới tăng từ sau Tết đến nay, nên nhìn chung còn chịu đựng được nếu khéo tính toán. Chứ về lâu dài mà tăng như thế này thì chắc chắn NLĐ sẽ bị ảnh hưởng, nhất là nếu chẳng may bị nhiễm COVID-19 và phải nghỉ việc để chữa trị”.