Giáo viên bế giảng trong nỗi thất vọng khi tiền chế độ lại như nợ khó đòi

Hoài Phương |

Bình Định - Trong buổi bế giảng năm học 2023-2024, nhiều giáo viên ở huyện miền núi Vân Canh một lần nữa nhận về nỗi thất vọng, hụt hẫng khi tiền "mồ hôi, công sức" đi dạy tăng ca của năm học trước vẫn chưa được chi trả.

Bế giảng trong thất vọng

Liên quan đến vụ việc tập thể giáo viên Trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh, Bình Định) nhiều lần đưa đơn đến các cấp để "đòi quyền lợi" mà Báo Lao Động đã phản ánh, đến nay, các giáo viên chỉ mới nhận được các khoản lương bị chậm, còn tiền chế độ dạy thêm giờ năm học 2022-2023 vẫn chưa được "hồi đáp".

Chia sẻ với Lao Động, cô Phạm Thị Nga (tên nhân vật đã được thay đổi) - giáo viên Trường THCS bán trú Canh Thuận (Trường Canh Thuận) tỏ vẻ ủ rũ, buồn chán khi kế toán nhà trường thông báo chưa thể chi trả tiền dạy thêm giờ năm học 2022-2023 cho giáo viên trong ngày bế giảng, vì Kho bạc Nhà nước huyện Vân Canh vẫn từ chối chi.

s
Trường THCS bán trú Canh Thuận. Ảnh: Hoài Luân

"Tôi và các thầy cô cứ nghĩ sẽ nhận được tiền dạy thêm giờ, thêm lớp của năm học trước trong ngày bế giảng (28.5.2024) năm nay, nhưng khi nghe thông báo vẫn chưa có tiền, tôi và các giáo viên thật sự rất hụt hẫng, thất vọng vô cùng", cô Nga rầu rĩ nói.

Theo cô Nga, thời điểm bị nợ lương, chế độ, cô phải chạy vạy khắp nơi, mượn "chỗ này đắp chỗ kia" mới có tiền để xoay sở, lo đủ bữa cho mấy miệng ăn trong gia đình.

Cho đến khi, người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định "lên tiếng" chỉ đạo, cô Nga mới được thở phào nhẹ nhõm, vơi bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền đang gồng gánh trên vai, vì giáo viên này tin... đồng tiền "công sức" sẽ sớm được chi trả trong nay mai.

Cô P.T.N - giáo viên phản ánh bị nợ tiền dạy tăng tiết tại Trường Canh Thuận. Ảnh: Hoài Luân
Cô Phạm Thị Nga - giáo viên phản ánh bị nợ tiền dạy tăng tiết tại Trường Canh Thuận. Ảnh: Hoài Luân

"Hay tin Chủ tịch tỉnh Bình Định đã vào cuộc chỉ đạo huyện trả lương, chế độ, anh em giáo viên mừng lắm. Nhưng chờ hơn nửa tháng nay rồi vẫn chưa thấy tiền đâu. Năm học 2023-2024 cũng kết thúc rồi, mà tiền dạy thêm giờ của năm học trước vẫn chưa được chi trả, không biết tiền dạy thêm giờ năm nay tới khi nào mới được nhận", cô Nga lo lắng.

Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Minh Chấn - Trưởng Phòng GDĐT huyện Vân Canh - cho biết, mới đây, huyện đã yêu cầu các trường thiếu kinh phí, chưa chi trả chế độ dạy thêm giờ năm học 2022-2023 cho giáo viên làm báo cáo gửi lên, để UBND huyện giải quyết.

"Tôi sẽ tiếp tục đôn đốc UBND huyện sớm chi trả tiền chế độ cho anh em", ông Chấn nói.

Hứa giải quyết sớm nhất có thể

Thông tin với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh - cho biết, theo báo cáo của Hiệu trưởng Trường Canh Thuận Trần Duy Khá, mới đây, trường đã làm hồ sơ thanh toán chế độ dạy thêm giờ năm học 2022-2023 gửi lên Kho bạc Nhà nước huyện Vân Canh, tuy nhiên vẫn bị từ chối thanh toán.

"Trước đó, Phòng GDĐT báo cáo là Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện đã thống nhất giải quyết, nhưng giờ không hiểu tại sao phía kho bạc lại tiếp tục từ chối.

Tôi đã yêu cầu Hiệu trưởng Trường Canh Thuận báo cáo cụ thể vụ việc. Từ đó, tôi sẽ mời các phòng, ban, đơn vị có liên quan cùng ngồi lại kiểm tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm chi trả tiền chế độ dạy thêm giờ cho giáo viên. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chuyên môn đề xuất hướng giải quyết.

Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề này sớm nhất để các thầy cô giáo yên tâm công tác, vì đây là chế độ chính đáng của giáo viên", ông Việt cho hay.

Trước những lo lắng, trăn trở của thầy cô giáo về việc chế độ tiền dạy thêm năm học 2023-2024 có thể sẽ tiếp tục bị chậm "đến tay" giáo viên, ông Việt cho rằng điều này là có cơ sở.

Tuy nhiên, ông Việt lý giải: Chỉ có kinh phí chi trả tiền dạy thêm năm học 2022-2023 bị vướng mắc, còn kinh phí để chi trả cho năm học này (2023-2024) thì không có vấn đề gì, nên các giáo viên cứ yên tâm.

Bị nợ chế độ 1 ngày, giáo viên sẽ khó khăn thêm 1 ngày

Nhiều tháng qua, tập thể thầy cô giáo tại Trường Canh Thuận liên tiếp gửi đơn đến UBND huyện Vân Canh và các cơ quan, đơn vị của huyện này, đề nghị xem xét giải quyết chi trả chế độ dạy tăng tiết của năm học 2022-2023.

Theo kiến nghị của các giáo viên, năm học 2022-2023, Ban Giám hiệu Trường Canh Thuận đã phân công cho các giáo viên giảng dạy tăng tiết, để bù cho những giáo viên về hưu, nghỉ dạy và chuyển công tác khác... Tổng số tiền tăng giờ trong năm học này là gần 315 triệu đồng.

Và sau nhiều lần đưa đơn "đòi quyền lợi", đến nay, tập thể giáo viên này vẫn chưa nhận được số tiền mà họ cất công đi dạy "tăng ca" trong suốt một năm học qua.

Theo tìm hiểu của PV, trong tập thể 16 thầy cô giáo này, có không ít giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, hầu như chỉ trông chờ vào đồng lương hàng tháng, tiền chế độ trong công tác giảng dạy để nuôi sống gia đình. Vì vậy, việc chậm chi trả tiền "mồ hôi, công sức" thêm ngày nào thì giáo viên sẽ khó khăn, vất vả thêm ngày đấy.

Hoài Phương
TIN LIÊN QUAN

Giáo viên khốn cùng vì bị nợ lương, nợ tiền chế độ

Hoài Phương |

Liên tiếp đệ đơn để đòi quyền lợi chính đáng, đến nay nhiều giáo viên tại huyện miền núi Vân Canh (Bình Định) vẫn chưa thể yên tâm công tác khi lương, tiền chế độ vẫn còn nằm trên giấy.

Cầm lương chưa nóng tay, giáo viên vội mang tiền đi trả nợ

Hoài Phương |

Vừa nhận được tiền lương sau thời gian đệ đơn "đòi quyền lợi", giáo viên ở huyện miền núi Bình Định vội mang tiền đi trả nợ, vì sợ dính nợ xấu.

Giáo viên ở Bình Định lâm cảnh túng quẫn khi lương, chế độ vẫn ở trên giấy

Hoài Phương |

Bình Định - Bị chậm lương, nợ chế độ kéo dài, khiến cho nhiều giáo viên ở huyện miền núi Vân Canh rơi vào cuộc sống túng quẫn. Nhiều lần họ đã đệ đơn lên các cấp, đòi quyền lợi nhưng kết quả bất thành.

Giá vàng hôm nay 20.9: Vàng nhẫn tăng sốc

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 20.9 tăng mạnh ở thị trường trong nước và thế giới. Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 sáng nay sắp bằng giá vàng miếng SJC.

Giám đốc công ty làm máy nhắn tin cho Hezbollah bị điều tra

Anh Vũ |

Công ty Gold Apollo, có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), đang bị điều tra liên quan đến vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah.

Ngắm mùa lúa chín ở Hà Giang vẹn nguyên sau bão lũ

Đan Thanh |

Không chịu ảnh hưởng nhiều sau bão số 3, ruộng bậc thang ở các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì đang vào mùa lúa chín đẹp, thu hút khách trở lại Hà Giang.

Điện Biên xuất hiện thêm cung trượt đe dọa nhiều hộ dân

NHÓM PV |

Nhiều vết nứt tạo thành cung trượt lớn đang đe dọa nguy cơ mất an toàn đối với nhiều hộ dân tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Ngầm tràn ngập sâu, Quảng Bình cảnh báo dân không di chuyển

CÔNG SÁNG |

Do ảnh hưởng bão số 4, từ 7 giờ sáng 20.9, địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhiều ngầm tràn nước ngập sâu, chảy xiết và chia cắt cục bộ.