Giáo viên ở Bình Định lâm cảnh túng quẫn khi lương, chế độ vẫn ở trên giấy

Hoài Phương |

Bình Định - Bị chậm lương, nợ chế độ kéo dài, khiến cho nhiều giáo viên ở huyện miền núi Vân Canh rơi vào cuộc sống túng quẫn. Nhiều lần họ đã đệ đơn lên các cấp, đòi quyền lợi nhưng kết quả bất thành.

Giáo viên lâm nợ vì bị nợ lương, chế độ

Nhiều tháng qua, tập thể thầy cô giáo (16 giáo viên) tại Trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh) liên tiếp gửi đơn đến UBND huyện Vân Canh và các cơ quan, đơn vị của huyện này, đề nghị xem xét giải quyết chi trả chế độ dạy tăng tiết của năm học 2022-2023.

Theo kiến nghị của các giáo viên, trong năm học 2022-2023, Ban Giám hiệu Trường THCS bán trú Canh Thuận (Trường Canh Thuận) đã phân công cho các giáo viên giảng dạy tăng tiết, để bù cho những giáo viên về hưu, nghỉ dạy và chuyển công tác khác... Tổng số tiền tăng giờ trong năm học này là gần 315 triệu đồng.

Cô N rầu rĩ khi
Cô P.T.N (áo đen) rầu rĩ khi trình bày với phóng viên về những khó khăn trong cuộc sống khi bị nợ lương, chế độ. Ảnh: Hoài Luân

Và sau nhiều lần đưa đơn đến các cấp để "đòi quyền lợi", đến nay, tập thể giáo viên này vẫn chưa nhận được số tiền mà họ cất công đi dạy "tăng ca" trong suốt một năm học qua.

Thậm chí, hiện tại, tiền lương hàng tháng của các giáo viên tại trường này cũng trong tình trạng chậm trả, khiến cho cuộc sống của một số giáo viên lâm cảnh khốn đốn khi phải đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Làm việc với Lao Động, cô P.T.N - giáo viên bị nợ tiền dạy tăng tiết tại Trường Canh Thuận - chia sẻ, tiền dạy thêm giờ của năm học trước đến nay vẫn chưa được chi trả, cộng với việc nợ lương ở hiện tại, khiến cho cuộc sống của gia đình cô N vốn đã khó khăn nay lại càng thêm vất vả.

s
Trường THCS bán trú Canh Thuận. Ảnh: Hoài Luân

"Trước đó, lương tháng 12.2023 bị chậm một lần, nay thì lại chậm lương tháng 4 và 5.2024. Trong khi đó, tiền dạy thêm giờ của năm học trước cũng chưa được chi trả, đẩy tôi vào khó khăn, nợ nần, túng quẫn.

Đã 15 năm gắn bó, cống hiến cho công cuộc "trồng người", mà giờ đến đồng lương, chế độ chính đáng của mình mà tôi vẫn chưa được nhận. Làm đơn gửi từ cấp này cho đến cấp khác để kiến nghị, nhưng đến giờ cũng chẳng thấy tiền đâu", cô N than thở.

Theo cô N, việc chế độ và lương bị nợ kéo dài tác động trực tiếp đến tinh thần, công việc của các giáo viên. Do đó, cô N mong muốn sớm nhận được toàn bộ số tiền dạy tăng tiết, tiền lương bị chậm để được yên tâm công tác.

Có tiền nhưng khó chi trả?

Theo tìm hiểu của Lao Động, sau khi nhận được đơn "đòi quyền lợi" của các giáo viên, Trường Canh Thuận đã tổ chức cuộc họp Liên tịch để giải quyết các kiến nghị về chế độ chi trả thêm giờ - thêm lớp năm 2022-2023 do Hiệu trưởng Trần Duy Khá chủ trì.

Tại buổi họp, kế toán của trường này đã thông qua quyết định phân bổ kinh phí năm 2023 cho trường này, với tổng số tiền là 3,747 tỉ đồng, giảm 289 triệu đồng so với kinh phí được cấp năm 2022, nên dẫn đến thiếu lương tháng 12.2023.

Ngoài ra, việc bổ sung lương điều chuyển, tiếp nhận công tác cũng khiến cho nguồn kinh phí tự chủ năm 2023 của nhà trường bị giảm hơn 52 triệu đồng. Do đó, số kinh phí còn lại (gần 3,7 tỉ đồng) chỉ đủ chi trả lương, BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn..., chứ không đủ trả tiền thêm giờ, thêm lớp năm học 2022-2023.

Ngày 19.1.2024, Phòng GDĐT huyện Vân Canh đã có quyết định phân bổ dự toán ngân sách quý I/2024, với số tiền hơn 1,2 tỉ đồng để chi trả tiền thêm giờ. Tuy nhiên, Kho bạc Nhà nước huyện Vân Canh đã từ chối chi, với lý do kinh phí năm 2024 không thể chi trả thêm giờ cho năm học 2022-2023.

"Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, mong lãnh đạo Phòng GDĐT cân đối, cấp bổ sung kinh phí thêm giờ cho nhà trường, đồng thời làm việc với kho bạc, tạo điều kiện để trả thêm giờ cho nhà trường", ông Khá kiến nghị.

Trước kiến nghị của nhà trường, Phòng GDĐT đã có báo cáo gửi UBND huyện Vân Canh về việc thực hiện chi trả thêm giờ, thêm lớp cho giáo viên.

Theo ông Phạm Minh Chấn - Trưởng Phòng GDĐT huyện Vân Canh, khi các trường lập hồ sơ, thủ tục chi tiền thêm giờ, thêm lớp cho giáo viên thì Kho bạc Nhà nước huyện không chấp nhận giải ngân, thanh toán.

"Ngày 21.2.2024, Phòng GDĐT đã trình UBND huyện và Phòng Tài chính - Kế hoạch xem xét thực tế và có ý kiến can thiệp để kho bạc giải quyết, để các trường chi trả tiền thêm giờ, thêm lớp, vì đây là chế độ chính đáng của cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, đến ngày 4.3, Phòng Tài chính - Kế hoạch chỉ có công văn phúc đáp, chứ không có ý kiến để kho bạc xem xét giải quyết.

Mong UBND huyện xem xét để Phòng GDĐT được sử dụng nguồn kinh phí năm 2024 để chi trả tiền thêm giờ, thêm lớp cho giáo viên và chi trả lương tháng 12.2023 cho các đối tượng hợp đồng", ông Chấn kiến nghị.

Trao đổi với Lao Động về vấn đề trên, ông Nguyễn Xuân Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh - cho biết, đây là quyền lợi chính đáng của giáo viên, vừa rồi, địa phương đã giao cho Phòng GDĐT kiểm tra, giải quyết. Về các vướng mắc đối với việc đề nghị thanh toán của các trường, Phòng GDĐT cũng đã làm việc với Kho bạc Nhà nước huyện để tìm cách tháo gỡ.

Hoài Phương
TIN LIÊN QUAN

Tháo dỡ toàn bộ lều quán trái phép trên bãi biển ở Bình Định

Hoài Phương |

Trước phản ánh tình trạng người dân lấn chiếm bãi biển, xây dựng lều quán để kinh doanh, Chủ tịch xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định) cho biết, đã tháo dỡ toàn bộ lều quán và các hạng mục vi phạm.

Nỗ lực thành lập công đoàn cơ sở tại Bình Định

Xuân Nhàn |

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Định vừa giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) năm 2024 cho khối đơn vị trực thuộc.

Thực hư việc huấn luyện viên cắt xén tiền ăn, chia tiền thưởng của vận động viên ở Bình Định

Hoài Phương |

Ngày 6.5, ông Tạ Xuân Chánh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) tỉnh Bình Định - cho biết, đã gửi văn bản đến Công an tỉnh Bình Định về việc kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh liên quan đến Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh này.

Đã khắc phục xong sự cố đường dây 500kV sau bão số 3

Anh Tuấn |

Tính đến sáng 16.9, EVN đã cấp điện lại được hơn 5,98 triệu khách hàng trên tổng số khoảng 6,1 triệu khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3.

Quán cơm bình dân đông khách nhất Hạ Long bị tẩy chay

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long đã có công văn đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc vụ quán Cơm sạch bà Liên bị dư luận đề nghị tẩy chay.

Hầm xe ngập trong biển nước, hàng chục xe máy suýt "chết đuối"

Việt Anh |

May mắn kịp dậy lúc nửa đêm, cư dân tại một chung cư mini trên phố Cự Lộc (Thanh Xuân, Hà Nội) đã cứu được hàng chục xe máy trước khi hầm xe ngập hoàn toàn.

Các điểm du lịch Quảng Ninh tan hoang sau bão

Thanh Hải |

Là một trong những tỉnh thành phía Bắc bị tàn phá bởi bão số 3 Yagi, Quảng Ninh chịu vô số thiệt hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch.

Khánh Hòa đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa vượt 2 tỉ USD

Hữu Long |

Khánh Hòa - Địa phương phấn đấu vượt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 2 tỉ USD.