Hà Nội thiếu trường lớp, con công nhân thiệt đủ đường

MINH HÀ |

Hà Nội luôn là điểm nóng của tuyển sinh đầu cấp do trường mới xây ít trong khi số học sinh liên tục tăng. Với các gia đình công nhân trên địa bàn Thành phố Hà Nội, việc tìm trường, tìm lớp cho con học luôn là nỗi lo thường trực.

Chật vật tìm trường, lớp cho con

Chị Hoàng Thị Tình (trú tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) là công nhân của Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đã 13 năm nay. Đồng lương công nhân ít ỏi, lại phải nuôi 3 con nhỏ trong độ tuổi ăn học, chị luôn phải tính toán, chi tiêu tằn tiện. Con đầu của chị Tình năm nay đã học lớp 3, 2 bé song sinh năm nay vừa tròn 3 tuổi.

“Khó khăn lớn nhất của gia đình là không biết gửi 2 con nhỏ ở đâu để yên tâm đi làm. Nếu gửi trường tư thục thì học phí cao, gửi trường công thì không còn chỗ” - chị Tình tâm sự. Sau hồi lâu tính toán, chị Tình đành chấp nhận bỏ ra chi phí 4 triệu đồng/tháng để gửi 2 con vào 1 trường mầm non tư thục gần nhà trọ.

“Một tháng tiền học của 3 con khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập của hai vợ chồng tôi khoảng 15 triệu đồng/tháng. Khu vực gia đình tôi đang ở trọ, trường mầm non công lập nào cũng trong tình trạng quá tải. Không có hộ khẩu thường trú nên việc tìm một suất cho con vào trường công vô cùng khó khăn’’ - chị Tình than thở.

Chị Lê Thị Thùy Linh (công nhân trú tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) bất đắc dĩ chọn phương án gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc. “Ai cũng muốn được gần gũi để chăm sóc, dạy dỗ con nhưng vì hoàn cảnh, lương công nhân thấp, cả gia đình không đủ bám trụ lại Hà Nội nên tôi đành chấp nhận xa con. Các con đang tuổi ăn, tuổi lớn, xa bố mẹ thực sự quá thiệt thòi” - chị Linh ngậm ngùi.

Theo thống kê, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) hiện có hơn 60.000 công nhân, lao động với hàng nghìn trẻ nhỏ nhưng mới chỉ có 3 trường mầm non công lập, 5 trường tư thục và hơn 10 nhóm trẻ. Thêm vào đó, sự biến động không ngừng về số lượng công nhân khiến cho việc dự báo số lượng trẻ mầm non đến trường càng thêm khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu chỗ học ở khu vực này ngày càng trầm trọng.

Lời giải cho bài toán thiếu trường lớp cho con công nhân

Bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam - khẳng định, việc nhiều gia đình công nhân phải gửi con về quê hoặc bỏ việc về quê vì không tìm được nơi học cho con là một vấn đề đáng lo ngại. Điều này cho thấy, các chính sách hỗ trợ giáo dục cho con công nhân chưa thực sự hiệu quả.

Trước thực trạng công nhân gặp nhiều khó khăn trong việc tìm trường, lớp cho con, bà Vân cho rằng, khi xây dựng các khu công nghiệp, cần phải đảm bảo quỹ đất để xây dựng trường học ngay tại các khu vực đó. “Việc xây dựng trường học ngay tại các khu công nghiệp sẽ giúp con em công nhân được học tập trong môi trường tốt, cơ sở vật chất hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Cha mẹ không còn phải lo lắng về việc đưa đón con đi học, tập trung vào công việc, tăng năng suất lao động” - bà Vân phân tích.

Dưới góc nhìn của chuyên gia giáo dục, TS Nguyễn Thanh Sơn - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Khoa giáo Trung ương nhìn nhận, để con em công nhân được hưởng chính sách giáo dục công bằng, cần có sự vào cuộc, chung tay của toàn xã hội.

Cụ thể, ngoài việc dành quỹ đất xây trường ở các khu công nghiệp; kêu gọi nguồn xã hội hoá giáo dục, vận động doanh nghiệp tham gia đóng góp để đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện học tập cho con em công nhân,... rất cần sự chung tay, vào cuộc của ngành Giáo dục.

“Ngành Giáo dục ở bất cứ địa phương nào trong điều kiện có thể phải chủ động, tích cực, coi việc giải quyết nhu cầu học tập của con em công nhân là một phần nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của chính địa phương mình. Từ đó, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để có những cơ sở giáo dục tốt cho con em công nhân học tập” - ông Sơn nói.

MINH HÀ
TIN LIÊN QUAN

Đà Nẵng vẫn thiếu trường lớp nhưng chưa có ai chịu trách nhiệm

THÙY TRANG |

Khi phê duyệt dự án có đầy đủ trường học, thiết chế văn hóa xã hội nhưng khi người dân vào ở thì chủ đầu tư bỏ quên các trường lớp. Nhiều khu đô thị mới tại Đà Nẵng thiếu trường lớp nghiêm trọng nhưng không có ai chịu trách nhiệm cho việc này.

Thiếu trường lớp khiến học sinh thi lên lớp 10 khó hơn thi vào đại học

PHẠM ĐÔNG |

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, thực trạng phụ huynh xếp hàng xuyên đêm nộp hồ sơ cho con vào học lớp 10 do thiếu trường lớp gây băn khoăn lo lắng trong dư luận và áp lực với học sinh ở Hà Nội và TPHCM.

Dân Hà Nội khám da liễu hàng tháng vì 6 năm không có nước sạch

KHÁNH AN |

Suốt 6 năm qua, hàng tháng, vợ chồng anh Nguyễn Đình Minh (Hoài Đức, Hà Nội) đều đưa các con đi khám da liễu vì không có nước sạch sử dụng.

Tăng trợ cấp thất nghiệp lên 75% giúp người lao động yên tâm

MINH HÀ - HOÀNG XUYẾN |

Tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75% lương bình quân là mong mỏi của rất nhiều người lao động.

Ngôi làng hơn 20 năm bị “bỏ quên” vì quy hoạch treo

Hoàng Bin |

Quảng Nam - Con đường đất bụi bặm, quanh co, dẫn vào khu nhà cấp 4 lụp sụp - là nơi cư ngụ của 28 hộ dân “bị bỏ quên” trong vùng quy hoạch treo suốt 20 năm qua.

Barcelona mất người, thua trận ra quân tại Champions League

tam nguyên |

Eric Garcia sớm nhận thẻ đỏ khiến Barcelona không thể có điểm trên sân AS Monaco.

Nỗ lực định hình tên tuổi từ cái bóng “ngôi sao nhí”

Ngọc Dủ |

Thị trường nhạc Việt từng có không ít sân chơi dành cho các tài năng nhí, nổi bật trong số đó phải kể đến Thần tượng âm nhạc nhí, Giọng hát Việt nhí... Đây được xem là bệ phóng cho không ít tài năng trẻ phát triển và theo đuổi sự nghiệp của mình.

Chợ đêm Ninh Kiều sáng đèn trở lại sau thời gian tạm dừng

VÂN HI - NGÂN TÂM |

Cần Thơ - Người dân bày tỏ sự phấn khởi khi chợ đêm Ninh Kiều đã hoạt động trở lại.