Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng giờ làm thêm, tăng tuổi nghỉ hưu

Hãy quan tâm đến đời sống của công nhân lao động

HUYÊN NGUYỄN |

“Chúng ta có thêm rất nhiều tỉ phú nhưng cũng có thêm rất nhiều người lao động nghèo; có thêm sân bay, máy bay nhưng có vô vàn người lao động đang không có nhà ở. Cũng không ít công nhân trong nắng nóng hơn 40 độ C này đang ở trong căn nhà fibroximăng nóng bức, chật chội, có nhiều người mong được đi làm thêm để tránh nóng, giảm tiền điện…

Đây là điều không thể không suy nghĩ khi tiếp cận vấn đề của Bộ luật Lao động” - Đại biểu Quốc hội - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu bày tỏ những trăn trở tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội để thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). 

Đau lòng khi chấp nhận tăng giờ làm thêm

Chiều 19.5, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 13 thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ những con số gây xôn xao các đại biểu dự phiên họp.

“Chúng tôi thống nhất phương án mở rộng khung thoả thuận làm thêm tối đa lên đến 400 giờ nhưng tâm trạng rất buồn và trăn trở vì đại diện cho NLĐ nhưng phải chấp nhận điều này vì lương của NLĐ đang rất thấp, vì lương thấp nên họ buộc phải chấp nhận làm thêm nhiều. Tại Hội thảo về mạng lưới Công đoàn các khu công nghiệp được tổ chức mới đây, chúng tôi rùng mình khi Chủ tịch công đoàn Khu công nghiệp ở Long An cho biết tỉ lệ tín dụng đen trong công nhân có nơi lên đến 50%. Đã có cán bộ công đoàn bị đánh giữa đường vì tuyên truyền về việc không sử dụng tín dụng đen. Có người lại được mang 50 triệu đồng để “mua chuộc” đừng tuyên truyền về vấn đề tín dụng đen nữa”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chia sẻ.

Chấp nhận việc mở rộng khung tối đa giờ làm thêm, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất việc chi trả tiền lương làm thêm phải theo phương pháp tính luỹ tiến. Đó là mong muốn của đông đảo người lao động. Cách tính lương như vậy để đảm bảo quyền lợi NLĐ, bù đắp chi phí tái sản xuất sức lao động, đồng thời tránh tình trạng doanh nghiệp không tuyển dụng lao động phù hợp với quy mô và năng lực để trốn nghĩa vụ, giảm nguy cơ tai nạn lao động, họ có nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi và chăm sóc con cái, quan tâm người thân trong gia đình.

Ông Ngọ Duy Hiểu cũng bày tỏ: Có ý kiến cho rằng, nên để cho NLĐ hoặc đại diện của họ thương lượng với người sử dụng lao động, nhưng thực tế giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động luôn tồn tại quan hệ bất bình đẳng. Đơn cử, theo quy định, giờ làm thêm phải theo thoả thuận và có giới hạn nhưng trên thực tế, quá nhiều nơi đang vi phạm giờ làm thêm. Nếu không chấp hành theo yêu cầu của doanh nghiệp, NLĐ sẽ đối diện với việc chấm dứt hợp đồng làm việc. Vì thế, khi đề xuất phải căn cứ vào tính khả thi và bảo vệ mạnh mẽ hơn bên yếu thế trong quan hệ lao động.

Cùng chung quan điểm, ông Ngô Trung Thành - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc đề xuất tăng giờ làm thêm là phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam nhưng sẽ phải tính toán những mặt trái có thể xảy ra. Đó là việc các doanh nghiệp hạn chế tuyển thêm người vì lương làm thêm giờ không phải đóng BHXH, BHYT, có thể dẫn đến dư thừa lao động, NLĐ bị trả lương thấp hơn. Ngoài ra, việc tăng giờ làm thêm chủ yếu trong nhóm lao động phổ thông, nhóm ngành sử dụng nhiều lao động đặc thù như da giầy, dệt may, gia công, điện tử… có thể dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tính không đúng mức lương, tạo điều kiện để người sử dụng lao động khai thác sức lao động dẫn đến NLĐ bị cạn kiệt sức lực. Ông Thành cũng đề xuất nếu bỏ quy định doanh nghiệp phải bố trí để NLĐ được nghỉ bù cho số thời gian không được nghỉ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến NLĐ.

Đại biểu Quốc hội - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội. Ảnh: HN
Đại biểu Quốc hội - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội. Ảnh: HN
Thay “có thể nghỉ hưu” bằng “quyền nghỉ hưu”

Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu. Tại lần sửa đổi này, dự thảo Bộ luật Lao động quy định “quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn”. Theo đó, dự thảo nêu rõ quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Bên cạnh đó là quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi (đại diện cơ quan thẩm tra) nhấn mạnh đây là chế định quan trọng liên quan đến lợi ích của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại - chia sẻ không ai muốn đi làm thêm, người lao động nào cũng muốn có thời gian nghỉ ngơi nhưng chẳng qua vì miếng cơm manh áo nên phải đi làm. Từ đó, ông Cương đề nghị cân nhắc việc làm thêm giờ, tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến sức khoẻ người lao động và ý kiến số đông. Theo ông Cương, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không ảnh hưởng lớn đến đối tượng công chức, viên chức nhưng sẽ là vấn đề với không chỉ NLĐ nặng nhọc, mà một số ngành khác như ngành giáo dục….

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - thể hiện sự đồng tình với ban soạn thảo liên quan đến đề ra lộ trình tuổi hưu, cũng như có những quy định đặc biệt với các nhóm trình độ cao và thấp hơn.

Tuy nhiên, điều mà bà Hà băn khoăn là NLĐ có khả năng, cơ hội đóng góp ở độ tuổi cao, trong thực tế chỉ là một nhóm lao động thuộc số ít. Nhóm thuộc số nhiều hơn, theo bà Hà chính là nhóm lao động thấp hơn.

“Chúng tôi đi thực tế ở 5 tỉnh Tây Nguyên, khu vực đồng bằng thì thấy NLĐ ở khu vực hầm lò độc hại, lao động một số ngành nghệ thuật, cô giáo mầm non,… hầu hết muốn được nghỉ hưu sớm. Chính sách cần phải tạo cơ hội cho nhóm cao tiếp tục làm việc, còn nhóm thấp hơn thì nên cho họ quyền ưu tiên là được phép nghỉ hưu sớm hơn” - bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Ngày 28.4.2019, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Tờ trình dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân; dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5.2019) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2019).

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có nhiều vấn đề lớn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động (NLĐ) và hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam; một số vấn đề còn nhiều tranh luận. Từ số báo hôm nay, Báo Lao Động mở chuyên mục GÓP Ý VÀO DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI). Ý kiến đóng góp xin gửi về bancongdoan2019@gmail.com. Mỗi bài viết không quá 800 từ. Bài viết đăng tải trên báo Lao Động được hưởng nhuận bút theo chế độ hiện hành.

Số đầu tiên, Báo Lao Động xin giới thiệu ý kiến đóng góp của ông Nguyễn Hồng Chiến - Trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn Dệt May Việt Nam và bà Nguyễn Thị Thu Huyền - công nhân may ở Thái Nguyên.

Chính phủ chọn phương án nâng tuổi nghỉ hưu chậm

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp (cơ quan soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi) cho biết: Trên cơ sở 2 phương án đề xuất của cơ quan soạn thảo, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1: từ 1.1.2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ.

Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60.

Theo lời ông Diệp, Chính phủ lựa chọn phương án này vì có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho rằng: Dự án Bộ luật Lao động là một bộ luật lớn, được sửa đổi toàn diện, với nhiều vấn đề mới, phức tạp, có những vấn đề chưa có tiền lệ ở Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy việc tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tiếp tục thể chế hoá đường lối lãnh đạo của Đảng và tinh thần Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân về lao động, việc làm, vì vậy đòi hỏi cần xem xét thấu đáo, thận trọng, đa chiều.

HUYÊN NGUYỄN
TIN LIÊN QUAN

Quy định tuổi nghỉ hưu cần căn cứ đặc điểm ngành nghề

Xuân Nhàn |

Chiều 17.5, LĐLĐ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Tham dự có đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các sở, ngành liên quan.

LĐLĐ tỉnh Quảng Nam: Lấy ý kiến góp vào dự thảo Bộ Luật Lao động

ĐỖ VẠN |

Chiều 17.5, LĐLĐ tỉnh Quảng Nam và Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Phải trả tiền lương làm thêm giờ theo mức lũy tiến

Nam Dương |

Trả tiền lương làm thêm giờ theo mức lũy tiến là ý kiến của hầu hết các đại biểu tại hội nghị đóng góp cho Dự thảo Bộ luật Lao động (dự thảo) do LĐLĐ TPHCM tổ chức sáng 15.5. Tham dự hội nghị có gần 100 CBCĐ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch LĐLĐ các quận, huyện, ngành, sở khối và một số doanh nghiệp có hơn 500 lao động trên địa bàn TPHCM.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Vụ sập cầu Phong Châu, tìm thấy 1 thi thể trong xe tải dưới sông

Tô Công |

Phú Thọ - Chiều 20.9, lực lượng chức năng trong quá trình trục vớt kết cấu cầu Phong Châu bị sập và phương tiện đã phát hiện 1 thi thể trong chiếc xe tải.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.