Không ký hợp đồng lao động để “né” bảo hiểm xã hội
“Tôi đã làm việc cho công ty được gần một năm, nhưng không được công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà chỉ ký hợp đồng dịch vụ, khiến tôi rất thiệt thòi. Tôi phải làm sao để được bảo vệ quyền lợi của mình?”. Đây là nội dung chính của bạn đọc có số điện thoại 0357402XXX, gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động nhờ tư vấn.
Điều đáng nói, trường hợp như của bạn đọc nói trên không phải hiếm. Theo Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Lao động 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐTBXH) thực hiện vào tháng 5.2019, đến quý 4 năm 2018, lực lượng lao động của nước ta là 55,64 triệu, số người có việc làm 54,53 triệu. Người lao động (NLĐ) làm công hưởng lương (làm việc theo HĐLĐ, hưởng lương và chịu sự quản lý điều hành của người sử dụng lao động - NSDLĐ) thuộc đối tượng áp dụng của bộ luật mới đạt 24,6 triệu người (bằng 45,14% số người có việc làm, bằng 45,11% so với lực lượng lao động). Điều này cho thấy, còn một số lượng lớn lực lượng lao động chưa thuộc diện “bao phủ” của Bộ luật Lao động 2012.
Luật sư Nguyễn Hữu Học (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, việc nhiều công ty không ký HĐLĐ mà ký bằng các hợp đồng khác trong khi NLĐ vẫn làm việc thường xuyên cho NSDLĐ bản chất là để né trách nhiệm với NLĐ, nhất là trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Bởi lẽ theo quy định hiện hành, khi NLĐ có HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên (trước 1.1.2018 là có HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên) tỉ lệ đóng các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của NSDLĐ là tới 21,5% tiền lương. Nếu “né” được khoản này, NSDLĐ sẽ kiếm được một khoản tiền nhiều hơn.
Điều đáng nói, hiện cũng có nhiều NLĐ đồng thuận, thỏa thuận với NSDLĐ không ký HĐLĐ để không phải bỏ 10,5% tiền lương của mình BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, dù thỏa thuận trên là trái luật.
Sẽ giảm tình trạng lách luật
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lách luật không ký HĐLĐ là quy định hiện hành chưa bao phủ hết các tình huống trong thực tế. Điều 15, Bộ luật Lao động 2012 quy định: “HĐLĐ là sự thoả thuận giữa NLĐ và NSDLĐ về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”. Quy định này đã không làm rõ được bản chất của quan hệ lao động, trong đó một bên phải thực hiện công việc phải làm theo thỏa thuận, được trả tiền (tiền lương, tiền công) và chịu sự quản lý, điều hành của bên trả tiền và giao công việc.
Khắc phục tình trạng trên, Điều 13 Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tới đây, quy định: “HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa NLĐ và NSDLĐ về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp các bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là HĐLĐ”.
Với quy định này đã làm rõ được sự khác biệt giữa HĐLĐ với hợp đồng dịch vụ, hợp đồng khoán việc. Bởi lẽ, nếu như trong quan hệ lao động, NLĐ phải tự mình thực hiện công việc theo thỏa thuận, chịu sự điều hành, quản lý của NSDLĐ, thì trong hợp đồng dịch vụ, hợp đồng khoán việc, người thực hiện công việc không phải chịu sự quản lý, điều hành đó mà có thể tự tổ chức để thực hiện công việc và có thể nhờ, thuê, mướn người khác thực hiện công việc đó. “Với quy định này, chắc chắn tình trạng lách luật không ký HĐLĐ sẽ giảm và quyền lợi của NLĐ như thế sẽ được bảo đảm hơn” - một cán bộ công đoàn nhận định.