Kỹ sư Vũ Hữu Lê - “bàn tay vàng cơ khí” tận tâm giúp nông dân

Nguyễn Đức |

Mặc dù ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng hằng ngày, kỹ sư Vũ Hữu Lê vẫn miệt mài nghiên cứu, chế tạo máy móc, nông cụ phục vụ nông dân.

Buôn sắt vụn nuôi ước mơ chế tạo máy

Một ngày hè tháng 6, chúng tôi đến thăm xưởng cơ khí của Công ty TNHH Cơ khí và xây lắp Hồng Hà (phường Nam Cường, TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái) do ông Vũ Hữu Lê (SN 1935) làm giám đốc. Dù thời tiết nắng nóng và oi bức, nhưng trong xưởng, hàng chục công nhân vẫn miệt mài, mỗi người một việc, phay, tiện, gò, hàn…

Lẫn trong những người thợ đang miệt mài đó, ông Lê, với dáng người thấp bé, đôi mắt vẫn còn tinh tường, đôi chân, đôi tay vẫn còn nhanh nhẹn đang cùng công nhân làm việc. Ông luôn nở nụ cười thân thiện, lạc quan, sảng khoái, say mê công việc của mình.

Ông Lê cho biết, ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ nên rất thông cảm với nỗi vất vả của người nông dân.

Sau 19 năm công tác trong ngành cơ khí, đến khi về hưu, gia tài ông có trong tay là một chiếc xe máy Simson cũ, cùng với 1 triệu đồng tiền mặt. Nhưng với ước mơ mở xưởng cơ khí cho riêng mình, ông nghĩ cách kiếm tiền để thực hiện.

Ông dùng chiếc xe máy cũ đi khắp các ngõ ngách thu mua sắt vụn, rồi mang bán lấy lãi. Số tiền kiếm được, ông dành để mua các loại máy công cụ, như máy tiện, máy phay, máy bào… phục vụ cho giấc mơ chế tạo máy của mình.

“Lúc đó tiền không đủ, nên mỗi lần tôi chỉ mua được một loại máy, rồi sau đó lại tích cóp, dành tiền mua tiếp máy khác… Sau 3 năm, tôi đã sắm được đủ các máy công cụ cần thiết và bắt đầu chế tạo chiếc máy đầu tiên” - ông Vũ Hữu Lê nhớ lại.

Sau nhiều đêm thức trắng, mất ăn, mất ngủ bên bản vẽ, rồi đến những lần thử nghiệm thất bại, rồi lại thử… ròng rã sau 3 năm, ông đã chế tạo thành công chiếc máy chế biến chè mini đầu tiên, có công suất và chất lượng làm ra chè tương đương với máy nhập ngoại, mà giá thành thấp hơn nhiều, rất phù hợp cho sản xuất nông hộ.

Rồi cứ thế, những chiếc máy hỗ trợ người nông dân lần lượt ra đời, từ máy rửa, máy nghiền củ dong, hệ thống lọc bột dong, máy sàng chè tươi, máy băm cành lá quế, nồi chưng cất tinh dầu quế, hệ thống chưng cất tinh dầu quế; máy ép phân viên dúi sâu… Tính đến nay, ông đã sáng chế ra nhiều loại máy khác nhau, với công suất và kích cỡ lớn nhỏ khác nhau.

Không ngừng học hỏi, sáng tạo

Trò chuyện với chúng tôi, nhưng ông Lê không sao ngồi yên được. Loáng thấy ông chạy xuống khu xưởng, đứng bên mấy chiếc máy trao đổi với cánh thợ, lúc lại tất bật với đống giấy tờ, bản vẽ thiết kế và cải tiến máy móc. Khi lại thấy ông kiên nhẫn trả lời điện thoại, trao đổi và tư vấn khách hàng cách sử dụng máy móc…

Dù đã bước sang tuổi 87, nhưng ông Vũ Hữu Lê vẫn không ngừng học hỏi, mở mang kiến thức.

Ông bảo, lúc nào, chỗ nào cũng là trường học. Những cuộc giao lưu, gặp gỡ những người bạn ở khắp mọi miền đất nước là một môi trường tốt để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt, dù tuổi cao, nhưng ông nhất quyết không để mình bị “tụt hậu” giữa thời đại công nghệ thông tin.

Ông nói vui: “Giờ khắp nơi người ta 4.0 rồi, nên mình cũng không thể tụt hậu được. Tôi thường xuyên đọc báo, tìm hiểu kinh nghiệm và trao đổi trên mạng, để có những ý tưởng thiết kế máy theo kịp với nhu cầu của bà con, của thời đại công nghệ hiện nay”.

Không chỉ vậy, đến nay, ông vẫn thường xuyên tham gia những chuyến đi đến các tỉnh thành, đến những vùng sâu, vùng xa ở khắp mọi miền tổ quốc. Đi để xem máy mình chế tạo ra bà con dùng có tốt không, có cần phải cải tiến gì không. Đi để tìm hiểu cuộc sống của bà con, xem bà con cần gì, để khi về có thêm ý tưởng sáng tạo máy móc. “Chỉ cần quan sát bà con lao động hằng ngày, là tôi nghĩ ngay ra ý tưởng chế tạo máy hỗ trợ bà con trong sản xuất, với mong muốn chia sẻ bớt gánh nặng với bà con” - ông Vũ Hữu Lê chia sẻ.

Mỗi một chiếc máy do ông chế tạo, đều được làm một cách cẩn thận tỉ mỉ. Từ ý tưởng ban đầu, ông tìm hiểu nhu cầu, tham khảo ý kiến của người dân, của những bên liên quan. Khi bản vẽ phác thảo hình thành, ông lại tham khảo ý kiến của chính những người công nhân chế tạo máy trong xưởng của mình để cho ra một sản phẩm tốt nhất. “Trong chế tạo máy móc, tôi là thầy của nhiều người, nhưng đồng thời nhiều người cũng thầy của tôi. Bởi mỗi người đóng góp một ý, dù là rất nhỏ, cũng giúp tôi rất nhiều trong công việc” - ông Vũ Hữu Lê nói.

Căn phòng làm việc của ông treo kín các huân, huy chương, giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm. Ông Lê say sưa kể chúng tôi nghe về những việc làm của mình được xã hội công nhận, được chính phủ và nhà nước quan tâm, từ đó tiếp động lực thêm để ông có thêm sức mạnh sáng tạo ra máy móc phục vụ cho bà con nông dân.

“Tôi chỉ mong muốn đem những giá trị tốt nhất đến với bà con nông dân giúp họ phát triển kinh tế. Ngoài ra, có thể đào tạo bồi dưỡng cho lớp trẻ kế cận công việc của mình để nghề cơ khí không bị mai một”. (Kỹ sư Vũ Hữu Lê)

 
Nguyễn Đức
TIN LIÊN QUAN

Chương trình Vinh Quang Việt Nam - 2021 “Khát vọng Việt Nam”: Truyền cảm hứng, lan toả những điều tốt đẹp, khơi dậy khát vọng vươn lên

LĐ |

Vinh Quang Việt Nam là sự kiện văn hóa chính trị đặc biệt tôn vinh tinh thần dân tộc, tình yêu Tổ quốc, các Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; những gương điển hình tiên tiến, doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lấy ý kiến về các tập thể, cá nhân được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam 2021

Lao Động |

Ban tổ chức Chương trình Vinh Quang Việt Nam đang lấy ý kiến nhân dân về các tập thể, cá nhân được vinh danh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam 2021 có chủ đề “Khát vọng Việt Nam”.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.

Công an xuất hiện tại công ty trúng nhiều gói thầu

HOÀI THANH |

Lực lượng Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã có mặt tại trụ sở Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tập đoàn Việt Anh.

NSND Thế Hiển đã tỉnh lại, nói chuyện được sau cơn nguy kịch

ĐÔNG DU |

Trao đổi với Báo Lao Động, nhà thơ Lê Minh Quốc - đồng nghiệp của NSND Thế Hiển - nói sức khỏe của NSND Thế Hiển đã tiến triển tốt hơn sau cơn nguy kịch.

Sắp đón đợt không khí lạnh đầu tiên, miền Bắc trở mưa

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh đầu mùa, miền Bắc sắp đón một đợt mưa; thời tiết mát mẻ, vùng núi có nơi chuyển lạnh.

Kỷ luật cảnh cáo Chủ tịch huyện Cao Phong

Đặng Tình |

Hòa Bình - Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy vừa quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Quách Văn Ngoan - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cao Phong.