Tham dự hội nghị có ông Mai Bá Nam - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, đại diện lãnh đạo các sở ngành, các phòng ban trực thuộc LĐLĐ tỉnh và công đoàn của 35 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.
Theo LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 20.4, trên địa bàn có 35 công ty FDI (có vốn đầu tư nước ngoài), với số lao động là hơn 164.000 người. Trong đó, tuyển mới hơn 7.400 người, nghỉ việc hơn 5.500 người, bỏ việc hơn 3.500 người, giảm hơn 1.600 người so với tháng 2.2022.
Trong 2 tháng (tháng 3 và tháng 4.2022), hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều cơ bản hoạt động ổn định, đảm bảo việc làm, tiền lương, chế độ cho người lao động. Có 28/35 công ty tăng ca ở một số bộ phận, cụ thể có 14 công ty (tăng ca từ 1h đến 1,5h/ngày); 4 công ty (tăng ca từ 2h đến 3h/ngày); 6 công ty (tăng từ 3,5 đến 4 giờ/ngày).
100% công ty thực hiện việc chi trả tiền lương, tiền ăn ca, tiền chuyên cần, phụ cấp xăng xe và các khoản tiền phụ cấp khác cho công nhân lao động đúng kỳ. Thu nhập bình quân của người lao động trong tháng 3 và tháng 4.2022 là hơn 6,3 triệu đồng/người/tháng. Một số công ty tăng lương, thu nhập bình quân tăng từ 500.000 đồng đến 2,4 triệu đồng như Công ty TNHH Hoa Thành; Công ty Giầy Venus Việt Nam; Công ty Giầy Sanjade Việt Nam.
Các công ty thực hiện việc trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH đúng kỳ và chi trả chế độ ốm đau, thai sản hàng tháng đầy đủ cho người lao động. Cụ thể, tổng số công nhân lao động của 35 công ty được đóng BHXH, BHYT, BHTN là 155.900 người (đạt tỉ lệ 94,6%). Còn gần 9.000 người (chiếm 5,4%), chưa được tham gia BHXH do mới vào công ty làm việc.
Các cấp công đoàn trong tỉnh thường xuyên nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, phối hợp cùng chủ sử dụng lao động giải quyết những kiến nghị chính đáng của công nhân lao động kịp thời. Tổ chức phát động các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, với mục tiêu năng suất cao, chất lượng tốt, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước.
Tuyên truyền, động viên công nhân lao động tích cực tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID - 19”, do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, gắn với thực hiện phong trào thi đua “Công nhân, viên chức lao động chung sức, hiện thực hoá khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hoá văn minh, thịnh vượng” giai đoạn 2021-2030.
Tại hội nghị, đại diện Chủ tịch công đoàn một số công ty FDI cho biết, thời gian vừa qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không hề nhỏ đến đời sống, sản xuất của người lao động. Cụ thể như vấn đề thiếu hụt lao động, tiền lương công nhân thấp, thời gian tăng ca nhiều, đời sống công nhân gặp khó khăn do giá xăng và các mặt hàng thiết yếu leo thang.
Để giải quyết vấn đề trên, trong thời gian tới, các công đoàn cơ sở sẽ tiếp tục phối hợp, tham mưu cho lãnh đạo các doanh nghiệp, đưa ra các biện pháp, cách thức để tháo gỡ khó khăn, mang lại hiệu quả cao cho không những doanh nghiệp mà cả công nhân, người lao động.
Phát biểu tại hội nghị, ông Mai Bá Nam - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa - cho biết, trong 2 tháng (tháng 3 và tháng 4) vừa qua, tình hình dịch bệnh cơ bản đã tạm ổn, hoạt động sản xuất được đẩy mạnh, đời sống của công nhân đã có nhiều chuyển biến tích cực.
“Trong thời gian tới, tôi đề nghị các công đoàn cơ sở, tiếp tục phối hợp thật tốt với doanh nghiệp thực hiện các chế độ chính sách, pháp luật cho công nhân lao động. Với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thì công đoàn cơ sở cần vận động công nhân lao động, đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp sớm vượt qua kho khăn. Doanh nghiệp có vượt được khó khăn, làm ăn tốt thì mới tạo ra nhiều sinh kế, công ăn việc làm và chế độ phúc lợi cho công nhân" - ông Nam nhấn mạnh.