Ngày 8.11, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn chính sách, pháp luật về tiền lương của người lao động.
Tại hội nghị, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) – cho biết, trong thời gian qua, công đoàn đã có nhiều hoạt động liên quan đến tiền lương, đảm bảo đời sống cho người lao động, từ việc tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia để đề xuất mức lương tối thiểu cũng như triển khai các hoạt động thương lượng, đối thoại để có được tiền lương đảm bảo cuộc sống; tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách về tiền lương…
Tuy nhiên, công tác tiền lương liên quan đến vai trò trách nhiệm của tổ chức công đoàn còn nhiều bất cập, hạn chế, trong đó có nguyên nhân do sự nắm bắt, hiểu biết quy định của pháp luật cũng như quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn liên quan đến tiền lương còn chưa đầy đủ.
Trình bày tại hội nghị, ông Quảng cho biết, mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất, là căn cứ để thoả thuận về tiền lương. Còn tiền lương phải căn cứ vào công việc cụ thể của người lao động để thoả thuận người sử dụng lao động trả.
Theo Điều 91 Bộ luật Lao động 2019, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Mức sống tối thiểu được xác định bằng tổng chi phí ương thực thực phẩm của 1 người lao động + chi phí phi lương thực thực phẩm của 1 người lao động + chi phí nuôi 1 con + tiền thuê nhà.
Trong khi đó, lương đủ sống là mức lương thấp nhất được trả cho một người làm việc trong giờ làm việc tiêu chuẩn (8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần) đủ để trang trải những chi phí cơ bản cần thiết cho người lao động và gia đình họ - bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khoẻ, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng với một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất khả kháng xảy ra.
Ông Quảng cho rằng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đặt ra mức lương tối thiểu, còn công đoàn cần thương lượng về mức lương đủ sống trong thực tế cho công nhân lao động.
Theo ông Xavier Estupinan - chuyên gia tiền lương của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - cho biết, tiền lương là yếu tố rất quan trọng. Thời gian qua, Việt Nam có nhiều sự tiến bộ về kinh tế, tuy nhiên, sự phát triển, tiến bộ này phải được chuyển hoá thành mức lương bền vững, thỏa đáng cho người lao động. Ông Xavier Estupinan cho rằng, mức lương đủ sống là mục tiêu quan trọng cần đạt được.
Tại hội nghị, các chuyên gia, các cán bộ công đoàn các cấp trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến tiền lương, như: Chính sách tiền lương theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 cũng như tình hình thực hiện trong thực tế; lương tối thiểu; kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về xây dựng, thực hiện mức lương tối thiểu theo giờ; vai trò của công đoàn trong thực hiện chính sách tiền lương đối với người lao động… Ngoài ra, các cán bộ công đoàn còn thảo luận, trao đổi những tồn tại, khó khăn trong việc thực hiện chính sách tiền lương trong thực tiễn…