Hà Nam được đánh giá đang ở thời kỳ “dân số vàng” với số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hằng năm khoảng 480.000 người (chiếm trên 55% dân số toàn tỉnh).
Để giải quyết việc làm cho người lao động, Hà Nam đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực, tập trung chủ yếu các nhóm ngành nghề kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông, máy tính và công nghệ thông tin, du lịch, điều dưỡng, y học, xây dựng, nông nghiệp và thủy sản…
Thống kê, trong số 22 cơ sở giáo dục nghề nhiệp mỗi năm, tuyển sinh đào tạo trung bình trên 20.000 người; từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 20.000 - 24.000 lao động và giải quyết việc làm thêm cho 25.000 - 27.000 lao động…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Trần Xuân Dưỡng, những năm qua công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã được UBND tỉnh và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, thông qua các chương trình giải quyết việc làm - dạy nghề, các chương trình phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động rất hiệu quả.
Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nhân tài trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Để phát triển nguồn nhân lực, đòi hỏi cần có cơ chế chính sách nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực một cách phù hợp.
Tại Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên; đổi mới phương pháp dạy, bổ sung các nghề mới, như cơ điện tử, logistics... Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, thực hành, giới thiệu việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Hiện 95-100% học viên ra trường có việc làm ngay với mức thu nhập từ 5 - 12 triệu đồng/người/tháng.
Đại diện Sở LĐTBXH Hà Nam cho biết, với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 75%, trong đó tỉ lệ lao động có bằng, chứng chỉ trên 60%; giải quyết việc làm mới cho 25.000 lao động; đến năm 2030, có 30% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo chuyên môn sau đại học; 100% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên…
Hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích tạo điều kiện cho người lao động tham gia bồi dưỡng và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Xây dựng và vận hành cơ chế hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.