Đợt tăng lương hưu gần đây nhất vào tháng 9.2023, ông Phạm Thanh Vân (77 tuổi) nhận được số tiền lương 2.782.000 đồng (thêm 12,5%). Cộng thêm trợ cấp thương binh, tổng thu nhập của ông Vân mới chỉ gần 4,7 triệu đồng/tháng. Dù vậy, số tiền này vẫn không đủ để đảm bảo cuộc sống cho cả hai vợ chồng bởi bệnh tật ảnh hưởng sức khỏe, đồng thời vợ ông Vân không có thu nhập.
Khi mang trong người nhiều căn bệnh khác nhau như gout, đại tràng, đau nhức xương khớp… ông Vân và vợ phải chi đến 1,5 triệu đồng mỗi tháng điều trị. Tuy nhiên, theo ông Vân đây mới là các loại thuốc cơ bản nên không thể điều trị triệt để. “Nếu dùng thuốc tốt, mỗi tháng tốn cả chục triệu đồng” - ông Vân nói.
Bên cạnh đó, hai ông bà cũng chỉ dám dành ra 2,5 triệu/tháng để ăn uống, mua quần áo, đóng tiền điện hàng tháng. Trừ các khoản phụ, tính ra mỗi ngày, hai vợ chồng già chỉ có 60.000 đồng mua gạo, thức ăn. Số tiền còn lại để chi cho việc cỗ bàn, lễ lạt nhưng vẫn không đủ, thi thoảng vẫn phải nhờ con cái hỗ trợ.
Nói về chính sách cải cách tiền lương, ông Vân mong lương hưu thay đổi theo mức sống nhưng tối thiểu 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, khi giá cả các khoản cố định tăng cao, ông Vân mong Nhà nước điều chỉnh kịp thời tiền lương chứ không đợi đến ngày 1.7 hàng năm như hiện tại.
Chia sẻ thêm, ông Vân mong có thêm tiền hỗ trợ người phụ thuộc và cơ chế đặc thù miễn hoặc giảm tiền điện như người nghèo, người cao tuổi. Như vậy, mức lương mới đảm bảo được cuộc sống đủ đầy, không bị ảnh hưởng quá nhiều vào các chi phí cố định, an tâm sống hết cuộc đời.
Dù đã có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội nhưng về hưu bà Phạm Thị Hồng (57 tuổi) chỉ nhận được 2,8 triệu đồng. Lý do bởi bà Hồng có rất nhiều năm đóng bảo hiểm với mức khá thấp khiến lương hưu bị ảnh hưởng. Cũng giống như ông Vân, chồng bà Hồng không có lương hưu hay thu nhập. Vì thế, bà luôn phải tính toán thật cẩn thận các khoản chi tiêu để đảm bảo cuộc sống.
Hàng ngày, bà Hồng chỉ dám chi 50.000 đồng để lo cơm nước cho hai vợ chồng. Thậm chí, số tiền này còn phải gánh cả 15.000 đồng cho gần 1kg gạo vì nhà bà không trồng lúa, phải mua gạo bên ngoài.
Mâm cơm của người già thường xuyên có đĩa cá khô, 2 quả trứng luộc, một bát canh, không khỏi chạnh lòng. “Một tuần, vợ chồng tôi chỉ dám ăn thịt vài bữa, chủ yếu mua trứng, cá, đậu phụ, những thứ rẻ tiền để tiết kiệm” - bà Hồng nói.
Dù khắt khe là thế nhưng bà Hồng vẫn phải làm thêm việc đan rổ, rá bằng tre và giỏ hoa nhựa mới đủ trang trải cuộc sống. Vì mỗi tháng, vợ chồng bà phải chi thêm ít nhất 1 triệu đồng tiền thuốc thang, 500.000 đồng cỗ bàn, 200.000 đồng tiền điện.
Nói về những đề xuất khi cải cách tiền lương, những người nghỉ hưu nhận lương như bà cũng trong diện ảnh hưởng, bà Hồng mong muốn Nhà nước tăng theo định kỳ 1 năm 1 năm. Mỗi lần tăng tối thiểu 10% so với mức đang hưởng.
Ngoài ra, bà Hồng cũng hy vọng thẻ bảo hiểm y tế hỗ trợ thêm nhiều loại thuốc và danh mục khám chữa bệnh so với hiện tại. Như vậy, bà và nhiều người già khác đỡ phải lo lắng tiền thuốc vì đây là khoản vô cùng tốn kém.