Đại diện tổ chức công đoàn, Chủ tịch LĐLĐ Bình Định Nguyễn Mạnh Hùng điểm qua tình hình công nhân, lao động hiện nay và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, người lao động với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Báo cáo do Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tập hợp 10 nhóm ý kiến, kiến nghị của công nhân, lao động về việc làm, thu nhập, đời sống; về chính sách nhà ở xã hội, cơ hội học tập, vui chơi giải trí cho người lao động; tình hình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội; về an ninh mạng và tín dụng đen; về lĩnh vực công đoàn, Luật đất đai…
Tại buổi tiếp xúc, 21 ý kiến trực tiếp chuyển những nghiền ngẫm của mình từ thực tiễn cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đến các đại biểu Quốc hội với mong muốn được nghiên cứu, tiếp thu trong hoạt động lập pháp ở kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp tới.
Nhiều cử tri kiến nghị điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng và có chính sách bình ổn giá cả thị trường bảo đảm cuộc sống cho công nhân lao động. Đề nghị bổ sung quy định bắt buộc thực hiện kỹ thuật cận lâm sàng như X Quang, siêu âm, xét nghiệm máu... khi doanh nghiệp tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động.
Công nhân Bình Định chủ yếu làm trong các doanh nghiệp gia công, tay nghề thấp, không thỏa thuận được mức lương đủ đáp ứng cuộc sống cơ bản. Để tiếp cận công nghệ hiện đại và cơ hội làm việc tại doanh nghiệp có thu nhập tốt, người lao động đề nghị tỉnh trang bị máy móc thiết bị tiên tiến cho công tác đào tạo, đào tạo lại lao động, giúp cho họ đủ tự tin để thương thảo, thoả thuận mức lương tương xứng.
Cách thức trả lương hiện nay mang tính chất “cào bằng”, không đánh giá đúng năng lực, vị trí người làm, không tạo động lực cống hiến cho những người thật sự có tài, không khuyến khích, thu hút được người giỏi. Cử tri kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sớm thực hiện trả lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Trong khi có ý kiến đề nghị ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội đang gặp khó khăn do việc làm, thu nhập không ổn định thì đại diện khác cho rằng công nhân lao động khu vực miền núi không có nhu cầu về nhà ở xã hội. Đại biểu này mong muốn Nhà nước có chính sách quy hoạch cấp đất thu tiền sử dụng (với mức thấp) để người lao động có thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nhà ở.
Một số cử tri mong được rút bảo hiểm xã hội 1 lần như quy định hiện hành. Kiến nghị xử lý tình trạng người sử dụng lao động chiếm dụng, chây ì, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung các quy định để cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát và có giải pháp buộc doanh nghiệp thực hiện việc trích đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tương đương với mức lương thực nhận...
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định Lê Kim Toàn khái quát: “Có 28 vấn đề được nêu tại hội nghị lần này. 4 trong số đó được đại diện Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm Xã hội Bình Định giải đáp tại chỗ. 24 vấn đề còn lại, Đoàn đại biểu Quốc hội xin trân trọng tiếp thu, giải trình”. Một số trường hợp cụ thể liên quan công tác quản lý, điều hành tại địa phương, ông Toàn yêu cầu chính quyền cùng các đơn vị hữu quan khẩn trương vào cuộc tháo gỡ. Với những nội dung thuộc lĩnh vực xây dựng pháp luật, cơ chế chính sách hoặc thẩm quyền của cấp cao hơn, Đoàn đại biểu Quốc hội Bình Định hứa ghi nhận, tiếp thu đầy đủ và phối hợp giải quyết theo quy định của luật pháp hiện hành.