Có nhà máy, có việc làm ổn định
Huyện Lạc Sơn hiện có hàng chục nhà máy, xí nghiệp, tạo ra nhiều việc làm ổn định cho người dân.
Nhà máy gia công giày da, giày thể thao của Công ty TNHH Thiên Diệu (xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn) có hơn 1.000 công nhân. Chị Bùi Thị Nhiền (SN 1990, trú xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn) - công nhân Công ty Thiên Diệu, cho biết: "Trước đây, khi chưa có nhà máy tôi chỉ ở nhà làm nông nghiệp nhưng thu nhập rất bấp bênh, thuộc diện hộ nghèo. Đầu năm 2023, nhà máy của Công ty Thiên Diệu đi vào hoạt động, tôi xin vào làm công nhân và làm việc từ đó đến nay với thu nhập bình quân mỗi tháng từ 7-8 triệu đồng".
Theo chị Nhiền, với mức thu nhập này gia đình đã đảm bảo cuộc sống, nuôi 3 con ăn học và thoát nghèo. Bên cạnh đó, sau khi tích góp và vay mượn từ họ hàng người thân đã xây được ngôi nhà trị giá gần 400 triệu đồng.
Tương tự, chị Bùi Thị Ánh Tuyết (SN 2001, trú xã Ân Nghĩa) là người đã đi làm ở nhiều công ty tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội chia sẻ, làm việc ở các địa phương khác lương cũng tương tự như ở quê nhưng so ra chi phí thuê nhà, đi lại rất tốn kém. "Vì vậy, khi có nhà máy gia công giày da tôi đã xin về để làm việc, vừa có thu nhập ổn định mà lại được ở gần nhà, tiện chăm sóc gia đình bố mẹ" - chị Tuyết tâm sự.

Theo bà Bùi Thị Phượng - Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Thiên Diệu, đơn vị hiện đang hoạt động trong lĩnh vực gia công giày da, giày thể thao xuất khẩu với khoảng 1.100 công nhân, chủ yếu là người dân tộc Mường.
"Hàng năm Ban chấp hành Công đoàn đã phối hợp với Ban Giám đốc Công ty thường xuyên quan tâm và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách của người lao động theo quy định của pháp luật, đảm bảo lương, thu nhập cho người lao động. Làm tốt công tác chăm lo đời sống người lao động, thường xuyên tặng quà cho công nhân, đặc biệt là dịp lễ và Tết" - bà Phượng thông tin.
Công nhân có thu nhập ổn định, thoát nghèo
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Nguyên - Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn cho biết, địa phương có hàng trăm người đang làm công nhân ở các công ty trong huyện. Nhiều người có thu nhập cao, ổn định và thoát nghèo, có của ăn của để. Mong muốn, thời gian tới có nhiều đơn vị, doanh nghiệp đầu tư tại địa phương để tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Còn ông Bùi Thế Hòa - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lạc Sơn cho biết, từ năm 2021 nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, xây dựng nhà máy về huyện Lạc Sơn khiến nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 180 doanh nghiệp giải quyết việc làm cho khoảng trên 4.100 lao động; 61 hợp tác xã với 847 lao động thường xuyên. Các doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn huyện hoạt động ổn định phát triển sản xuất, các đơn vị hoạt động đều mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, đóng góp vào sổ thu Ngân sách nhà nước hàng năm trên địa bàn.

Theo ông Hòa, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài huyện rất lớn, do vậy người lao động sẽ có nhiều lựa chọn, một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện đang tiếp tục tuyển dụng, như Công ty Thiên Diệu (nhu cầu từ 1500 đến 3000 công nhân), Công ty Đồ chơi (tuyển khoảng 450 công nhân), Công ty may Hồ Gươm và công ty Điện tử…
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà máy, tương lai một vài năm tới đối với huyện Lạc Sơn sẽ không gặp khó khăn trong công tác tìm việc làm cho người lao động.