Công nhân khó mua được nhà
Vợ chồng chị Hoàng Thị Liên lặn lội từ vùng quê nghèo Ba Bể (Bắc Kạn) đến làm việc tại Thái Nguyên đã gần chục năm nay, nguồn thu nhập hạn hẹp trong khi chi phí thì nhiều nên hai vợ chồng cũng chỉ dám thuê một phòng trọ hơn 15m2 để ở.
Theo chị Liên, tổng thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng được khoảng 16 triệu, số này vừa dùng để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày rồi lại gửi về quê nuôi hai đứa con đang ăn học. Tính ra mỗi tháng không tiết kiệm được là bao.
Nhìn căn phòng trọ trật hẹp, lỉnh kỉnh các đồ dùng gia đình, chị Liên thở dài: "Cũng muốn có được chỗ ở đàng hoàng, ổn định rồi còn đón con cái lên nữa. Nhưng thu nhập hiện tại thì chưa dám nghĩ chuyện mua, bởi mua rồi lấy tiền đâu mà trả".
Trong khi đó anh Nguyễn Hoàng Cương (Thạch Thành, Thanh Hoá) cùng vợ làm việc tại KCN Sông Công đã nhiều năm. Cuộc sống ở trọ hạn chế nhiều thứ đã khiến anh nghĩ đến chuyện mua một căn hộ chung cư nhưng giá nhà hiện tại đang cao hơn mức có thể chi trả.
Anh Cương chia sẻ: "Vợ chồng tôi tích góp được hơn 300 triệu rồi nhưng các chung cư ở Thái Nguyên bây giờ giá thấp nhất cũng hơn 800 triệu rồi, không mua được. Có dự án nào nhà ở xã hội thì chắc cũng phải vay mượn mà mua đấy".
Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng 200 nghìn công nhân đang làm việc tại các cụm, khu công nghiệp, 60% là người ngoại tỉnh. Rất nhiều trong số này có nhu cầu về nhà ở để ổn định cuộc sống lâu dài.
An cư lạc nghiệp
Vấn đề nhà ở xã hội cho công nhân tiếp tục là chủ đề "nóng" tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên với công nhân, viên chức người lao động được tổ chức vào sáng 24.5. Trong số 114 ý kiến gửi tới LĐLĐ Thái Nguyên, nhiều trong số đó đề cập tới nhu cầu nhà ở.
Anh Đào Sỹ Linh đại diện cho công nhân Công ty Hansol Electronics Việt Nam cho rằng, với thu nhập thấp như hiện nay người lao động gần như không có điều kiện mua nhà ở. Anh Linh đặt câu hỏi: "Tỉnh Thái Nguyên có phương án hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp không?"
Trao đổi về nội dung trên, ông Trịnh Việt Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện toàn tỉnh đang có khoảng gần 50 vị trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội nằm xen kẽ trong các khu dân cư, khu đô thị và đã được phê duyệt phương án, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, vấn đề đầu tư xây dựng được thì rất nan giải, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước thì hạn chế. Trong khi đó giá rẻ thì quản lý ra sao, bởi đầu tư công mà quản trị công thì không có bộ máy, còn đầu tư công mà quản trị tư thì không có cơ chế.
Trên thực tế, để giải quyết vấn đề trên tỉnh Thái Nguyên đang tích cực vận động các nhà đầu tư có tiềm lực, trách nhiệm để tham gia làm nhà xã hội. Nhà đầu tư được hỗ trợ tối đa về mặt bằng, không thu tiền sử dụng đất.
Trở lại câu chuyện hỗ trợ công nhân mua nhà ở xã hội, theo lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, địa phương đang nghiên cứu cho phép hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt các đối tượng là công nhân, viên chức, người lao động nghèo mua nhà xã hội. Cùng với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng, việc này sẽ giúp người lao động có nhà để an cư lạc nghiệp.
Thông tin tới người lao động, ông Trịnh Việt Hùng cho biết: "Tháng 8.2022 tỉnh Thái Nguyên sẽ khởi công 2 công trình nhà ở xã hội, quy mô 9 tầng, diện tích từ 5.000m2 đến 7.000m2 với hơn 1.600 căn hộ sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu nhà ở của người công nhân".
Nhu cầu rất lớn
Tính đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, bao gồm cả nhà thu nhập thấp và nhà công nhân có quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7,1 triệu m2.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, nhu cầu rất lớn, nhưng rào cản phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn tồn tại nhiều, ở cả khâu thể chế chính sách và tổ chức thực hiện. Việc phát triển nhà ở xã hội nhìn chung vẫn triển khai chậm, hiệu quả chưa cao, do một số vướng mắc khi triển khai các quy định của pháp luật.
Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội còn khó khăn, quỹ đất còn thiếu và bố trí chưa phù hợp, chưa hài hòa lợi ích và thủ tục hành chính còn phức tạp. Một số địa phương chưa thực sự quyết tâm cho vấn đề này dẫn đến việc phát triển nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.