Cố gắng bám nghề
Chị Đỗ Thị Thanh (SN 1998) - dược sĩ làm việc tại một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã có 12 năm công tác. Trong từng ấy thời gian, đã có lúc chị Thanh tưởng chừng phải bỏ nghề. Hiện tại, tính cả phụ cấp thâm niên, tổng số tiền lương chị nhận về là 5,5 triệu đồng/tháng. “Công nhân ở quê lương 7-8 triệu đồng/tháng, lương của tôi bây giờ còn không bằng lương công nhân” - chị Thanh tâm sự.
Nhà ở huyện Ba Vì, làm việc tại quận Hà Đông, mỗi ngày chị Thanh phải di chuyển gần 100km sáng đi - tối về.
Chồng chị Thanh là bộ đội. Năm 2013, anh gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng. Sau khi điều trị, anh dần bình phục nhưng mất khả năng lao động, chỉ quanh quẩn ở nhà phụ giúp vợ con những công việc nhà. Ngoài người chồng đau ốm, chị Thanh còn phải lo cho hai cụ già là mẹ chồng và bà nội của chồng đã ngoài 90 tuổi; hai con nhỏ, một cháu 5 tuổi, một cháu vừa lên lớp 1.
Hơn 9 năm qua, chị Thanh một mình gồng gánh cả gia đình. Để trang trải cuộc sống, chị Thanh làm thêm đủ việc. Thậm chí, chị phải đem gà, trứng, rau… từ quê bán cho đồng nghiệp tại bệnh viện. Số tiền bán hàng cũng được 1-2 triệu đồng/tháng, thêm thắt vào bữa cơm gia đình.
Được hỏi về lý do vì sao chấp nhận mức lương thấp, vẫn tiếp tục trụ lại làm việc, chị Thanh bày tỏ: “Nhiều khi muốn bỏ cuộc lắm nhưng tiếc công sức học, làm nghề. Học hành bao năm, không lẽ giờ về quê làm công nhân”.
Làm đủ nghề để sống
Trước kia, khi bệnh viện nơi dược sĩ Thanh và điều dưỡng Tạ Thị Vân làm việc chưa chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện, ngoài mức lương cơ bản, các nhân viên y tế vẫn được nhận các khoản phụ cấp, hỗ trợ khác. Song, 2 năm trở lại đây, chị Vân và các nhân viên y tế khác tại bệnh viện phải làm đủ nghề để trang trải cuộc sống.
Có mức lương thấp hơn chị Thanh, chị Vân cũng bán hàng online để gia tăng thu nhập. Hơn 10 năm công tác trong ngành Y, hiện tại mức lương điều dưỡng viên của chị chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/tháng, không có thêm bất kỳ phụ cấp gì.
“Trước kia khi bệnh viện chưa thực hiện cơ chế tự chủ, chúng tôi vẫn được hưởng các loại phụ cấp, được khoảng mấy chục nghìn đồng/ca phẫu thuật. Nay không có thêm bất kỳ khoản thu nhập nào ngoài lương, khó khăn đủ đường. Nếu sử dụng nguyên tiền lương của tôi thì không đủ đóng học cho con, riêng tiền đóng quỹ lớp của con đã hết hơn 3 triệu đồng” - nữ điều dưỡng tâm sự.
Chồng chị Vân làm bộ đội, hai vợ chồng chị cũng phải chật vật mới đủ tiền đóng học cho 3 con nhỏ, một cháu học lớp 6, một cháu học lớp 4 và một cháu học lớp 1.
Sau khi biết tin sắp được nhận hỗ trợ, chị Thanh và chị Vân đều bày tỏ sự vui mừng, biết ơn đến Chính phủ. “Nhân viên y tế tại các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ rất khó khăn. Bây giờ nhận hỗ trợ được đồng nào hay đồng ấy. Mất nhiều năm học tập, tôi và nhiều nhân viên khác rất mong có thể toàn tâm làm tốt chuyên môn thay vì phải làm thêm đủ việc để kiếm sống” - chị Vân cho hay.
Trước đó, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết về Quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố.
Đối tượng áp dụng là công chức, viên chức, lao động hợp đồng đang làm việc tại thời điểm nghị quyết có hiệu lực thi hành, đồng thời đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, Phòng y tế thuộc UBND các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố Hà Nội.
Viên chức, lao động hợp đồng có chuyên môn y tế đang làm công tác y tế tại thời điểm nghị quyết có hiệu lực thi hành, đồng thời đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội...
Các mức hỗ trợ được đề xuất theo mức độ công việc và cho từng vị trí trực tiếp làm chuyên môn y tế và không trực tiếp làm chuyên môn y tế.
Trong đó, mức 1 là 10.000.000 đồng/người (tham khảo mức chi hỗ trợ một lần đối với người làm trực tiếp tại Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 24.8.2021 của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh); mức 2 là 7.000.000 đồng/người (bằng 70% mức 1); mức 3 là 5.000.000 đồng (bằng khoảng 70% mức 2).