Nữ công nhân thuê nhà trọ một mình: Nhiều hiểm nguy, vất vả

Quế Chi – Lương Hạnh |

Hiện nay, nhiều công nhân độc thân hoặc đã lập gia đình nhưng phải xa chồng con, thuê nhà trọ một mình tại nơi đất khách quê người. Cuộc sống một mình, không người thân thích khiến họ phải đối diện với nhiều khó khăn, thậm chí có những nguy hiểm.

Tự chăm sóc bản thân khi ốm

Ngày 16.7, một công nhân ở trọ tại thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) bị điện giật tử vong khi đang nấu mỳ. Theo chính quyền địa phương, nữ công nhân này năm nay 33 tuổi, quê ở tỉnh Hà Giang. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng không qua khỏi.

Trước đó, vào tháng 12.2020, nữ công nhân tên là Lê Thị H, 19 tuổi, làm việc tại một công ty trong Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh được phát hiện tử vong trong phòng trọ khoá trái cửa tại thôn Đa Cấu, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Nữ công nhân quê xã Minh Khai (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn), đã lập gia đình. Trước khi tử vong vài ngày, nữ công nhân này có báo công ty bị ốm và xin nghỉ. Do chỉ ở trọ một mình nên khi ốm không có ai chăm sóc...

Tử vong trong phòng trọ là chuyện ít gặp, nhưng những khó khăn của công nhân khi phải thuê trọ một mình ở nơi đất khách quê người là khá phổ biến. Họ phải tự chăm sóc bản thân; nếu hết tiền cũng không có họ hàng, anh em bên cạnh để vay mượn vượt qua khó khăn; nếu chẳng may bị ốm đau cũng sẽ không có ai ở bên chăm sóc. Chưa kể nhiều công nhân, nhất là nữ, có thể gặp phải những nguy hiểm khi thuê trọ ở nơi có tình hình an ninh không tốt.

Chị Nông Thị Thế - công nhân khu công nghiệp Yên Phong - đang thuê trọ một mình tại thôn Ô Cách, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Vì mưu sinh, chị phải xa chồng con (đang ở Bắc Giang), sống cảnh "cơm hàng, cháo chợ". Ở một mình nên chị rất ngại nấu nướng, thường ra quán ăn cơm bình dân.

“Ở một mình thì không tránh khỏi những rủi ro. Khi đau ốm tôi phải tự chăm sóc cho bản thân mình, không có người thân. Nhất là quãng thời quan tôi bị COVID-19, nghỉ ở phòng, phải tự xoay xở. Những lúc ấy, nghĩ tủi thân, nhưng đành phải cố gắng thôi” - chị Thế tâm sự.

Ở một mình mãi cũng thành quen 

Về phòng trọ sau khi tan ca đêm, chị Vũ Thị Phương (sinh năm 1993, quê ở huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) trằn trọc mãi mà không ngủ được. Chị dậy đi chợ, mua thức ăn để nấu bữa trưa. Thức ăn chỉ có một mớ rau cải và ít giò. Chị thường nấu 1 bữa chia nhỏ thành nhiều bữa để tiết kiệm.

“Ăn một mình chẳng đáng là bao nhưng tôi vẫn thích nấu. Ăn cơm công ty chán lắm” - chị Phương tâm sự.

Phòng trọ của chị Phương có giá thuê là 600.000 đồng/tháng, ẩm thấp và chất đầy đồ đạc. Tài sản quý giá của chị chỉ vẻn vẹn chiếc tủ lạnh cũ, chiếc xe đạp được nhượng lại từ bà bán nước đầu xóm trọ với giá 240.000 đồng. 3 năm làm công nhân tại đây, ngoài chuyện nấu ăn một mình, trong phòng trọ có gì hỏng hóc, chị Phương đều phải tự sửa. Nghe một số câu chuyện công nhân bị điện giật ở trong phòng trọ, chị Phương bảo đấy là chẳng may thôi, còn chị luôn tuân thủ nguyên tắc an toàn trước khi dùng điện. Điều nữ công nhân này lo lắng nhất là nếu chẳng may bị ốm đau thì sẽ không có ai chăm sóc; hoặc nếu đêm khuya mà gặp chuyện gì bất thường về sức khoẻ thì không dễ để có thể được giúp đỡ kịp thời…

Dãy trọ nơi chị Phương sinh sống. Ảnh: Lương Hạnh
Dãy trọ nơi chị Phương sinh sống. Ảnh: Lương Hạnh

Trước kia, khi mới xuống khu công nghiệp, chị Phương phải xin người hàng xóm bên cạnh cho để nhờ thức ăn vì không có tủ lạnh. Điều kiện vật chất thiếu thốn, không quen biết bất kì ai, với chị Phương, thời gian đầu mới làm công nhân vô cùng khó khăn, bỡ ngỡ.

Gia đình nghèo, 3 trong số 4 chị em của nữ công nhân này đều không học hết cấp 3. Riêng chị Phương chỉ được học hết lớp 5. Chị ở nhà để làm ruộng, chăm lo cho ông nội bị tai biến nằm một chỗ. Khi được 18 tuổi, chị bắt đầu ra ngoài tự lo cho cuộc sống.

Hiện tại, mức lương cơ bản của chị được khoảng 5,3 triệu đồng/tháng. Chị tăng ca liên tục từ 10-12 tiếng/ngày trong 25 ngày/tháng. Cộng cả các loại phụ cấp, mức lương chị nhận về là hơn 9 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, mức phụ cấp đi lại của chị Phương chỉ có 10.000 đồng/ngày.

Năm nay đã gần 30 tuổi, chị Phương vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện lập gia đình. Chị tâm sự: “Sống một mình mãi rồi cũng thành quen. Bố mẹ thì già cả rồi, không có lương hưu, cũng không có ai chăm sóc. Số tiền lương tôi gửi một nửa về cho gia đình, còn lại chi tiêu, chẳng còn tích lũy được là bao”.

Quế Chi – Lương Hạnh
TIN LIÊN QUAN

Tiền hỗ trợ thuê nhà trọ vẫn chưa đến tay công nhân!

THƯ HẠNH |

Sau hơn 3 tháng triển khai, tiến độ giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động đang rất ì ạch. Nhiều công nhân đã nộp hồ sơ đề nghị từ 2 tháng trước, nhưng đến nay vẫn mòn mỏi chờ đợi.

Đồng Nai: Thêm 5.000 công nhân nhận được tiền hỗ trợ thuê trọ

HÀ ANH CHIẾN |

ĐỒNG NAI – Ngày 13.7, Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hwaseung Vina, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch cho biết, Công ty đã chuyển tiền hỗ trợ thuê trọ đợt 1 cho toàn bộ gần 5.000 công nhân Công ty TNHH Hwaseung Vina và chi nhánh HS Hoá chất với tổng số tiền 7,4 tỉ đồng.

Thang máy liên tục hỏng, công nhân thuê trọ tạm ngừng đóng phí dịch vụ

Bảo Hân |

Ngán ngẩm, bức xúc vì chất lượng dịch vụ, nhất là vấn đề thang máy bị dừng hoạt động hoặc liên tục hỏng, một số công nhân thuê trọ tại chung cư CT1A (khu nhà ở công nhân, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) quyết định tạm dừng đóng phí dịch vụ cho đơn vị quản lý toà nhà.

Vinafco lãi 2,8 tỉ, chưa bồi thường vụ rơi pin xuống biển

Lục Giang |

Vinafco đang phối hợp cùng các chủ hàng, công ty bảo hiểm và các cơ quan chức năng giải quyết sự cố vụ 37 container rơi xuống biển, trong đó có hơn 10 tấn pin.

Xuất hiện clip đánh, đá trẻ tại nhà trẻ, công an vào cuộc

Phan Thành |

Bình Thuận - Từ hình ảnh bảo mẫu đánh bầm tím trẻ nhỏ và đoạn camera cảnh đánh, đá trẻ nhỏ tại nhà trẻ, công an vào cuộc làm rõ.

Bão chưa vào nhưng một số nhà dân ở Quảng Ngãi đã tốc mái

VIÊN NGUYỄN |

Gió lốc trong đêm làm tốc mái 3 ngôi nhà của người dân ở xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Lộ diện doanh nghiệp cấp bò giống bị dịch lở mồm long móng

HƯNG THƠ |

Bò của dự án khi cấp phát cho người nghèo ở huyện miền núi tỉnh Quảng Trị thì bị lở mồm long móng và lây lan.

Nổ mìn thi công dự án ở dốc Cun, nhiều xe xếp hàng dài chờ đợi

Minh Nguyễn |

Hòa Bình - Trong quá trình nổ mìn để thi công dự án xử lý nguy cơ mất an toàn thông đoạn qua dốc Cun, cơ quan chức năng đã cấm phương tiện lưu thông.