Các ông: Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Nguyễn Hồng Lĩnh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Đại hội XIII của Đảng; Nguyễn Văn Thạo - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN đồng chủ trì. Tham dự có các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh.
Nâng cao đời sống của người lao động
Chủ đề của hội nghị góp ý là “Đổi mới tổ chức và hoạt động, phát huy vị trí, vai trò của tổ chức CĐ trong hệ thống chính trị Việt Nam”.
Góp ý tại hội nghị, bà Trịnh Thị Thoa - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết, thực tế, hiện nay, thu nhập của người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp (DN) vẫn còn thấp so với khu vực. Có những nơi, đồng lương của NLĐ không đủ sống, chưa nói đến việc tích luỹ để họ có thể mua nhà, an cư lạc nghiệp. Vì vậy, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của chủ DN nhằm nâng cao đời sống cho NLĐ, giúp họ yên tâm gắn bó với DN là một vấn đề cần đặc biệt coi trọng.
Bà Thoa đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cần có sự chỉ đạo đưa những vấn đề lớn liên quan đến tổ chức CĐ như Bộ luật Lao động, Luật CĐ, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), nhất là sửa đổi Luật Việc làm và có quy định cụ thể để chủ sử dụng lao động có cam kết, thoả thuận về mức lương giúp NLĐ đảm bảo cuộc sống, yên tâm gắn bó với DN, tích cực lao động sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Như Huệ - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Giang - đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục thể chế hoá những quan điểm, chủ trương lớn đã được thể hiện trong Nghị quyết của Đảng về xây dựng giai cấp CN thành cơ chế chính sách cụ thể nhằm giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp CN, tạo chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ tương ứng với những thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và những đóng góp của giai cấp CN. Theo bà Huệ, trước mắt, cần giải quyết những bức xúc hiện nay đối với CN, như: Nhà ở, nhà trẻ tại các KCN; tiền lương và thu nhập, BHXH, nơi sinh hoạt văn hoá, an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần tư duy mới về vấn đề chăm lo, bảo vệ đoàn viên, NLĐ.
Tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với CN và CĐ
Ông Trịnh Văn Bừng - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hà Nam - nêu lên thực tế hiện nay, một bộ phận CNLĐ có biểu hiện phai nhạt về chính trị, chỉ lo nhiều đến những vấn đề lợi ích kinh tế, đời sống cụ thể trước mắt, ít quan tâm đến những vấn đề cơ bản, lâu dài, có tính chiến lược như ý thức giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, vai trò, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp CN. Một số CNLĐ bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, có những việc làm sai trái, gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Do vậy, theo ông Bừng, CĐ phải coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng vào thực tiễn công tác; chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho CNVCLĐ.
Muốn vậy, có đại biểu cho rằng, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng với hoạt động của tổ chức CĐ trong công tác tuyên truyền, giáo dục CN, đảm bảo định hướng thống nhất nội dung và nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục từ trung ương đến cơ sở, nhằm tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với CN và CĐ.
Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch CĐ Dệt May Việt Nam - góp ý, trong tình hình mới, để đảm bảo giai cấp CN luôn là đội quân tiên phong của Đảng, Đảng cần hết sức quan tâm đến việc tập hợp và phát huy lực lượng này, quan tâm đến tổ chức nào xứng đáng và đủ độ tin cậy để đại diện, đồng hành cùng với NLĐ trong giai đoạn mới, để trên cơ sở đó có những quan điểm chỉ đạo, cơ chế, chính sách phù hợp dẫn dắt và hậu thuẫn cho hoạt động CĐ và phong trào CN ở mỗi cấp.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Đình Khang đánh giá, các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, nhận thức sâu sắc của các đại biểu; làm sáng tỏ nhiều vấn đề, nội dung của dự thảo văn kiện. Các ý kiến góp ý đều thống nhất đánh giá các dự thảo đã phản ánh khát vọng chung của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ CNVCLĐ. Các dự thảo đã đánh giá khách quan, trung thực kết quả đạt được, chỉ ra khuyết điểm, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đặt ra các giải pháp khắc phục. Các ý kiến đóng góp cũng liên quan trực tiếp đến chủ đề hội nghị, đó là vấn đề đổi mới tổ chức hoạt động, phát huy vai trò của tổ chức CĐ trong hệ thống chính trị Việt Nam, xây dựng giai cấp CN, tổ chức CĐ; nêu lên những thách thức tổ chức CĐ phải đối mặt trong thời gian tới…
Ông Nguyễn Đình Khang cho biết, Tổng LĐLĐVN tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu; đồng thời, Tổng LĐLĐVN sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị góp ý và tiếp nhận những ý kiến đóng góp về dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, sau đó sẽ có báo cáo với Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Đại hội XIII của Đảng. Quế Chi