Nhà trọ công nhân còn chật chội
Một dãy nhà trọ xập xệ, xuống cấp tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội nhưng đây là nơi có rất đông công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long thuê trọ. Theo khảo sát của PV, mức giá thấp nhất là 500.000 đồng/phòng/tháng, nhưng các phòng trọ của công nhân thường chật chội, tuyềnh toàng, không có đồ vật gì đáng giá.
Thực trạng này đã được các Đại biểu Quốc hội đặt ra tại Nghị trường. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) dịch bệnh đã phát lộ đầy đủ hơn vấn đề vốn là bức xúc của công nhân lao động - đó là nhà ở. “Số đông công nhân lao động di cư đang phải ở trong khu nhà trọ chật hẹp, ẩm thấp, san sát nhau, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự rất cao” - đại biểu đoàn Hà Nội chỉ ra.
Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó tách riêng chính sách về nhà ở cho công nhân để thu hút đầu tư xây dựng và tạo cơ chế để công đoàn là chủ thể tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.
Cần chính sách đặc thù
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc phát triển nhà ở xã hội tiến triển rất chậm và gặp nhiều khó khăn. Ngoài nguyên nhân thiếu vốn ngân sách thì vẫn còn nhiều nguyên nhân khác.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Reenco Sông Hồng - cho rằng, muốn tạo ra hiệu quả cần có cơ chế chính sách đột phá hơn mới kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào triển khai các dự án nhà ở xã hội, kéo giá thấp một cách thực chất. Chính sách cần dựa trên cơ chế thị trường, cho doanh nghiệp ở thế chủ động, nếu đưa ra được cơ chế để tạo lợi nhuận từ việc đầu tư nhà ở xã hội, nhà giá thấp, chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư.
“Muốn vậy, Nhà nước giao đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, chủ đầu tư nào có thể xây dựng nhà ở với chất lượng tốt nhất nhưng giá thành thấp nhất thì được lựa chọn để triển khai dự án. Nhà nước có thể khống chế mức giá sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường nhưng vẫn tạo được lợi nhuận đầu tư doanh nghiệp. Ví dụ như ở Hà Nội hay TPHCM mức giá có thể trong khoảng trên dưới 20 triệu đồng/m2 còn các tỉnh thành khác có thể thấp hơn” - ông Điệp phân tích.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho rằng, ách tắc nguồn vốn chính là điểm nghẽn lớn nhất trong những năm qua, chậm bố trí nguồn vốn ngân sách làm vốn mồi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Ở góc độ doanh nghiệp, một lãnh đạo công ty địa ốc ở Hà Nội cũng thừa nhận, điểm nghẽn lớn nhất trong những năm qua là thiếu vốn nên việc khuyến khích các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc cho vay từ cuối năm 2016.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000m2; đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000m2.
Trong đó, đối với nhà ở xã hội ở dành cho công nhân khu công nghiệp, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng diện tích 6.700.000m2.