* Thưa ông, 6% là mức tăng lương tối thiểu vùng cho lao động trong các doanh nghiệp năm 2022 vừa được Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt để trình Chính phủ xem xét quyết định. Tuy vậy, cho rằng doanh nghiệp cũng gặp khó khăn do dịch COVID-19 tương tự như người lao động, 8 Hiệp hội ngành hàng đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ lùi thời gian áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1.1.2023 thay vì từ tháng 7.2022. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
- Tôi đã đọc rất kỹ bản kiến nghị của 8 hiệp hội doanh nghiệp. Tôi cho rằng những lý do này chưa thuyết phục, thậm chí “nguỵ biện”. Thứ nhất, trong kiến nghị gửi Thủ tướng, các hiệp hội nêu lý do trong 2 năm 2020 - 2021, dịch bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp khó khăn, kiệt quệ.
Các hiệp hội cũng cho rằng các khó khăn do COVID-19 vẫn chưa kết thúc khi lao động là F0 tiếp tục xuất hiện, làn sóng biến chủng mới vẫn đe dọa sản xuất. Điều này không chính đáng, không thuyết phục bởi hiện nay F0 không còn là vấn đề nặng nề như trước đây nữa. Hiện nay, doanh nghiệp có người lao động là F0 thì có thể cho nghỉ ở nhà, F1 đi làm trực tiếp bình thường, thậm chí đã có đề xuất F0 không triệu chứng vẫn có thể đi làm.
Thứ hai, các doanh nghiệp cho rằng nếu tăng lương vào đầu tháng 7, các doanh nghiệp khó xoay xở kịp do thời điểm đã đến quá gần. Tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng đều được xây dựng từ cuối năm trước, không thể tăng giá bán để bù đắp chi phí... Tôi cho rằng, cũng có thể có một số khó khăn nhưng chúng ta phải cân nhắc giữa khó khăn của người lao động và của doanh nghiệp. Cái nào hơn để cân nhắc.
Thứ ba, việc điều chỉnh lương tối thiểu có đại diện của 3 bên: Đại diện người sử dụng lao động - doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động - Tổng LĐLĐVN đã tính toán, bàn bạc, cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, khoa học để đưa ra đề xuất đó.
Nếu trong trạng thái bình thường, việc tăng lương tối thiểu là từ 1.1 hằng năm nhưng đã gần 2 năm 2020 - 2021 đã không điều chỉnh tăng lương tối thiểu nếu kéo dài đến hết 2022 là gần 3 năm và trong cơn “bão giá” như thế này thì người lao động có sống được để đi làm hay không? Đó là cái chúng ta cần phải cân nhắc giữa lợi ích của việc điều chỉnh lương từ 1.7.2022.
* Vậy việc thực hiện tăng lương tối thiểu tháng 7.2022 sẽ có tác động lớn như thế nào với công nhân và đem đến hiệu quả gì cho doanh nghiệp, thưa ông?
Đã 2 năm qua Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu, người lao động cũng đã rất hiểu và chia sẻ với Chính phủ và doanh nghiệp bởi những khó khăn do tác động của đại dịch. Nhưng trong thời điểm hiện nay thì người lao động cũng đã quá khổ rồi, hết sức chịu đựng.
Hồi tháng 9, tháng 10.2021, khi dịch tạm thời ổn định thì hàng triệu người lao động đã bỏ TPHCM để về quê, qua 4 tháng phong toả họ không còn tiền tích luỹ, đã quá khó khăn, không về quê thì không thể tồn tại được và bây giờ cũng rất nhiều người chưa trở lại. Những người có thể trụ lại cũng đã cạn kiệt.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 200.000 lượt người đã rút bảo hiểm xã hội một lần bởi họ không còn nguồn nào khác tích luỹ để giải quyết khó khăn.
Trong đại dịch này, người lao động phải chi thêm nhiều chi phí cho phòng chống dịch, chữa trị COVID-19, thậm chí là hậu quả hậu COVID-19 kéo dài. Người lao động cũng rất cần, nếu chúng ta không điều chỉnh thì họ sống như thế nào?
Chúng ta có chăm lo cho người lao động tốt thì người ta mới gắn bó với doanh nghiệp, tận tâm tận lực cho doanh nghiệp. Trong tình trạng rất nhiều doanh nghiệp khát lao động thì tại sao không giữ chân, chăm lo đời sống cho người lao động?
Doanh nghiệp vẫn luôn nói người lao động là vốn quý của doanh nghiệp nhưng khi đụng đến việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu thì ông chủ nào cũng kỳ kèo “bớt 1, bớt 2”. Tại sao vậy? Tại sao chỉ lo tới túi của doanh nghiệp mà chưa thực sự quan tâm tới đời sống quá khổ cực của người lao động?
Các ông chủ phải đi xuống các khu nhà trọ để thấy được tình cảnh của người công nhân chứ đừng ngồi trong phòng máy lạnh để đưa ra lý do không thuyết phục.
Thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho phép doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh làm thêm giờ, người lao động cũng có nhu cầu này bởi nếu chỉ làm 8 tiếng ở doanh nghiệp thì họ không thể sống nổi. Điều này để thấy rằng là người công nhân đã hết sức bức bách.
Việc tăng lương tối thiểu như một nguồn nước mát đến với người lao động để họ cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đừng đẩy người lao động vào con đường cùng!
* Theo ông, mức điều chỉnh 6% đã là hợp lý hay chưa?
Trước khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia công bố đề xuất mức đề xuất điều chỉnh lên Chính phủ, tôi cho rằng tỉ trọng điều chỉnh lần này phải từ 10% trở lên. Bởi, chỉ số trượt giá tăng 4% theo Nghị quyết của Quốc hội, như vậy 2 năm là 8%, cộng thêm tỉ lệ % do tăng năng suất lao động thì con số tăng 10% mới có thể đáp ứng được. Vì thế, việc Hội đồng Tiền lương Quốc gia đề xuất tăng 6% thì đã có sự chia sẻ với doanh nghiệp. Mức 6% tuy chưa thể đáp ứng được mức tối thiểu nhưng cũng đã tạm thời đáp ứng được một phần cuộc sống của người lao động. Vì thế, tôi rất mong Chính phủ sẽ thông qua đề xuất tăng 6% lương tối thiểu từ tháng 7.2022.
- Xin cảm ơn ông!