Tình trạng cắt giảm lao động
Trong báo cáo "Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội", Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội của nhận định, thị trường lao động đã bị tác động nặng nề sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thị trường lao động đã dần phục hồi trong năm 2022.
Lực lượng lao động tăng khá nhanh, tính đến tháng 9.2022 lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,6 triệu người (tăng 1,2 triệu người), tỷ lệ tham gia lực lượng lao là 68,5% (tăng 0,9%).
Số lao động có việc làm cũng tăng trở lại, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng năm 2022 là 50,5 triệu người (tăng 1,5 triệu người).
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thị trường lao động Việt Nam có hiện tượng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế.
Bằng chứng rõ nhất hiện nay là tình trạng cắt giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động… xảy ra ở một số ngành như dệt may, da giày, điện, điện tử; một số doanh nghiệp thuộc ngành gỗ.
Số lao động bị cắt giảm chủ yếu là lao động phổ thông. Điều này cho thấy, khi có biến động về dịch bệnh hay suy thoái kinh tế thì lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất.
Báo cáo chỉ ra rằng, mặc dù tình trạng giảm lao động, giãn việc, giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc luân phiên… tiếp tục diễn ra nhưng một số ngành nhu cầu tuyển dụng vẫn cao, mức thu nhập hấp dẫn.
Cụ thể, nhân sự trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, thương mại dịch vụ như chế biến lương thực, thực phẩm; dịch vụ lưu trú và ăn uống, giao nhận hàng hóa.
Cụ thể, ở TP.HCM ngay trong tháng 12.2022 dự kiến nhu cầu tuyển nhân lực là 25.000 người, Hà Nội là 27.891 người.
Bắc Ninh có nhu cầu tuyển dụng 20.683 lao động (ngành điện, điện tử chiếm 93,8%), Đồng Nai tuyển dụng 12.500 lao động (50,66% ngành dệt may, da giày), Bình Dương tuyển 6.000 lao động (dệt may, da giày chiếm 16,67%, ngành điện, điện tử chiếm 33,33% và ngành gỗ, tre, nhựa,.. chiếm 38,33%).
Giải pháp khắc phục những khó khăn
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo thị trường lao động năm 2023 chắc chắn cũng sẽ chịu nhiều rủi ro và thách thức.
Để khắc phục cũng như lường trước được những khó khăn sắp tới, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đang phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ để trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.
Trong đó, hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm.
Khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, trong đó tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững. Cụ thể, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển bền vững; đầu tư nguồn lực cho các chương trình, dự án tạo nhiều việc làm bền vững; đa dạng hóa các nguồn tín dụng để tạo việc làm mới, chất lượng, việc làm xanh, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa.
Nghiên cứu đề xuất các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động sinh sống ở địa bàn huyện nghèo, khó khăn; hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo,… để họ tham gia vào thị trường lao động, có việc làm bền vững.