Nắm bắt thực chất tình hình công nhân lao động
Cuối năm 2022, tại những nơi có tổ chức công đoàn, Bình Định có 116.113 công nhân, viên chức, lao động, tăng hơn 3.000 người so với đầu nhiệm kỳ. Toàn tỉnh có 8.200 doanh nghiệp, tăng 2.200 đơn vị.
Chủ tịch LĐLĐ Bình Định Hà Duy Trung chia sẻ: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, LĐLĐ tỉnh xây dựng Chương trình “Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”. Chương trình được chỉ đạo, thúc đẩy bằng nhiều giải pháp như đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là giới chủ doanh nghiệp và người lao động.
Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và công đoàn cấp trên cơ sở căn cứ tình hình công nhân viên chức lao động, sự phát triển doanh nghiệp từng địa phương, xây dựng kế hoạch, chương trình công tác cụ thể, giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở đến từng đơn vị; xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để đánh giá, phân loại, xét khen thưởng…”.
Việc khảo sát, nắm bắt tình trạng “sức khỏe” doanh nghiệp, công nhân lao động yêu cầu phải tiếp cận bức tranh toàn diện, đúng thực chất. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh khai thác tối đa nguồn thông tin từ Sở Lao động Thương binh - Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội, Cục Thuế… thông qua chương trình phối hợp công tác, định kỳ cung cấp thông tin.
Nhờ đánh giá đúng tình hình, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh có giải pháp phù hợp chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động cũng như giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm duy trì hài hòa, ổn định, củng cố niềm tin cho cả hai phía về sự cần thiết, hữu ích của tổ chức công đoàn.
Đổi mới toàn diện hoạt động công đoàn
Triển khai Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức, hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, LĐLĐ Bình Định đã báo cáo, tranh thủ sự chỉ đạo, ủng hộ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc giải quyết những vấn đề thiết thực, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động, thực hiện chính sách nhà ở xã hội, xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân tại các khu công nghiệp, giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động…
Thi đua yêu nước được tổ chức thiết thực, hiệu quả. Không ngừng đổi mới quy trình đánh giá xét chọn, đề xuất khen thưởng đúng người, đúng việc, công khai, minh bạch; chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp sản xuất, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả... Trên địa bàn, 100% công đoàn huyện, ngành; hơn 90% CĐCS phát động thi đua hàng năm…
Dấu ấn công đoàn Bình Định nhiệm kỳ qua còn thể hiện ở lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong 5 năm, có 85 lượt cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; 169 lớp tập huấn được tổ chức cho 15.721 lượt cán bộ công đoàn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp.
Nhiệm kỳ qua, với việc giao chỉ tiêu mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 1 đoàn viên ưu tú/năm cho Đảng xem xét, có 4.761 đoàn viên được kết nạp Đảng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII.
Hướng mạnh về cơ sở, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đã tạo nên sức hấp dẫn của công đoàn tại Bình Định. Việc đánh giá chất lượng thực chất hơn. Bình quân hàng năm, tỉ lệ công đoàn cơ sở vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 83,95%; công đoàn huyện, ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 98,66%; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 80%.