Tận cùng bất hạnh
Người cán bộ ấy là Từ Chí Hùng, kế toán LĐLĐ huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Sinh năm 1964, năm nay đã bước qua tuổi 57, nhưng anh Hùng vẫn rất khó xác định đâu là quê hương, bởi sự cơ cực đã đưa đẩy tuổi thơ anh đi qua quá nhiều vùng đất theo bước đường mưu sinh của gia đình. Nhưng đàng sau cuộc sống lang bạt ấy là cả tấm lòng ham học. “Có năm, gia đình tôi di chuyển qua 3 tỉnh, từ Bà Rịa - Vũng Tàu về Tiền Giang, rồi Kiên Giang, nhưng dù đi đâu, tôi vẫn nhắc má rút học bạ để được học tiếp” - anh Hùng chia sẻ.
Thế nhưng sau khi học hết lớp 7 thì mọi nỗ lực đã dừng chân. Quá khó khăn với cuộc mưu sinh, anh Hùng được mẹ gởi vào chùa ở Long Thành Đồng Nai ở tuổi 13 để có nơi ăn, chốn ở. Do nhà chùa cũng nghèo, cả thầy, trò phải lao động tự mưu sinh nên anh Hùng chưa có điều kiện học tiếp.
Sau 13 năm gắn bó cửa thiền, hay tin sức khỏe mẹ yếu, phải ra Phú Quốc (Kiên Giang) mưu sinh, anh xin thầy cho về để gần gũi, có điều kiện chăm sóc mẹ. Ở tuổi 26 với mảnh bằng lớp 7, anh chẳng có cơ may nào ngoài việc đầu quân vào Nghiệp đoàn bốc xếp cảng An Thới (thị trấn An Thới).
Vào thời điểm này, phần lớn công nhân bốc xếp đều có thói quen sa vào rượu chè, gây gổ... sau ngày làm việc. Tuy nhiên, có lẽ 13 năm sống ở chùa đã giúp anh miễn nhiễm căn bệnh chung đó. Không chỉ không rượu chè, với vốn chữ nghĩa lớp 7, anh còn đảm đương khâu sổ sách, giấy tờ cho Nghiệp đoàn. Và chính sự khác biệt này đã thu hút sự chú ý của LĐLĐ Phú Quốc về nhân sự trưởng thành từ thực tiễn.
Nỗ lực vươn lên
Có được môi trường thuận lợi, anh Hùng nghĩ ngay đến việc học ở tuổi 37. Nhưng lúc này Phú Quốc chưa có đợt học bổ túc. Trong lúc chờ đợi, anh chuyển sang học vi tính và lấy chứng chỉ A tin học.
Nhờ vậy mà khi được LĐLĐ tỉnh trang bị máy vi tính, anh là người duy nhất ở LĐLĐ Phú Quốc biết sử dụng. Mãi đến 4 năm sau, Phú Quốc mới mở lớp bổ túc văn hóa. Dù đã tứ tuần, nhưng anh Hùng vẫn quyết tâm đi học.
Sau 5 năm dành hết các buổi tối đến lớp, anh tốt nghiệp cấp III và sau đó anh tiếp tục làm nhiều người ngạc nhiên khi dành toàn bộ thời gian tối để học và lần lượt hoàn tất chương trình học tập mà ngay cả cán bộ trẻ tuổi cũng không dễ làm được: Bằng B tiếng Anh, cử nhân Kế toán, cử nhân Công đoàn.
Sau khi kinh qua đào tạo, anh vận dụng kiến thức vào công việc, thiết kế và đề xuất nhiều ý tưởng về cách làm hay về phương thức thu chi kinh phí Công đoàn sát với đặc thù của địa bàn Phú Quốc. Đặc biệt, anh rất quyết liệt với những trường hợp chây ỳ kinh phí Công đoàn.
Ông Phan Xuân Trí - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phú Quốc - nhận xét: “Anh Hùng là tấm gương về ý chí học tập, vươn lên. Hơn thế nữa, đó còn là niềm tin để những người đang ở tận cùng khó khăn, vịn vào mà gượng dậy, đi tới”.