Hoạt động cầm cự hết quý I/2020
Theo LĐLĐ tỉnh Bình Dương, hiện một số doanh nghiệp đã gửi thông báo về việc thiếu nguyên liệu do phụ thuộc vào thị trường ở nước có dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã gửi văn bản đề nghị hướng dẫn khi xảy ra tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu phải giảm giờ làm hoặc giảm lao động, trả lương, chế độ... đúng pháp luật.
Vừa qua, phòng trường hợp dịch bệnh kéo dài không nhập được nguyên liệu nên Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) phải thực hiện giảm giờ làm (trước đây làm 9,5 giờ/ngày hiện đã giảm 8,5 giờ/ngày). Bà Nguyễn Thị Kim Nguyên - Chủ tịch Công đoàn công ty - cho biết, nếu tình trạng này kéo dài sang tháng 4, 3.000 lao động của công ty sẽ thiếu việc làm. Một doanh nghiệp trong lĩnh vực giày da có đến 9.000 lao động (tại phường An Thạnh, TP.Thuận An) cũng cho hay, nguy cơ tháng 4 sẽ thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, tại Đồng Nai, ngày 27.2, ông Lê Nhật Trường - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Pousung VN sản xuất giày da (huyện Trảng Bom) - nói rằng, trước mắt công ty cũng chưa gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất do công ty có nguồn nguyên liệu dự trữ từ trước đó, sản xuất bình thường, công nhân vẫn tăng ca đều. Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 kéo dài, công ty sẽ bị ảnh hưởng do nguồn dự trữ cạn kiệt.
Còn tại Công ty Great Kingdom (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) có khoảng 2.000 công nhân, chuyên sản xuất gường tủ, bàn ghế, ông Lương Ngọc Hồi - Phó Tổng Giám đốc - cho biết, do công ty xuất khẩu nhiều mặt hàng vào thị trường Hàn Quốc nên hiện các đơn hàng đã ít hơn trước. “Sắp tới, công ty cũng chưa có giải pháp căn cơ và đang tính phương án cho công nhân làm việc cầm chừng, theo giờ hành chính, không tăng ca, chờ đợi tín hiệu tốt từ việc xử lý dịch COVID-19” - ông Hồi nói.
Chủ động tìm nguồn nguyên liệu từ thị trường khác
Theo ông Lê Văn Chính - Chủ tịch Công ty Sonca Media (đóng tại TPHCM chuyên sản xuất các thiết bị âm thanh như loa, ampli, đầu karaoke), nhiều năm nay, công ty đã chủ động chuyển dịch 2/3 nguồn cung nguyên liệu, linh phụ kiện từ các nhà cung cấp Trung Quốc sang các nhà cung cấp Hàn Quốc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Lê Văn Chính cho biết thêm: “Các nhà cung cấp Hàn Quốc của chúng tôi có nhà máy tại Việt Nam, giúp cho Sonca Media chủ động được nguồn nguyên liệu và linh kiện phục vụ cho việc lắp ráp, sản xuất. Một phần nữa, may mắn là các đối tác cung cấp tại Trung Quốc của chúng tôi cũng không nằm trong vùng trọng điểm dịch. Từ ngày 24.2 vừa qua, họ đã lần lượt mở cửa lại nhà máy nên tình hình sản xuất của Sonca Media không bị ảnh hưởng gì. Việc chủ động nguồn cung từ trong nước cũng là một chiến lược phát triển bền vững và mang đến cho Sonca Media sự thuận lợi hơn cho sản xuất và cạnh tranh trên thị trường”.
Còn đối với Công ty Bóng đèn Điện Quang, bà Mai Hương - Phụ trách truyền thông - cho biết, Điện Quang đã có sự chuẩn bị nguồn nguyên liệu, linh phụ kiện từ trước cho nên chưa bị ảnh hưởng gì đến sản xuất. Tuy nhiên, nếu hết quí I/2020, khi hết nguồn nguyên liệu và linh kiện dự trữ, hoạt động sản xuất chắc chắn bị ảnh hưởng vì nguồn cung không kịp thời từ một số quốc gia trong tâm dịch COVID-19.
Hiện tại, Điện Quang đã chủ động được một số loại linh kiện từ trong nước, đặc biệt là chip bóng đèn LED. Công ty đã tự sản xuất được loại linh kiện quan trọng này tại nhà máy nằm trong Khu công nghệ cao ở quận 9, TPHCM. Bên cạnh đó, từ nhiều năm trước, Điện Quang cũng đã mở rộng tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu, linh kiện từ nhiều quốc gia như Ấn Độ để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một, hai quốc gia nào đó.
Nhằm giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, mới đây, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương Trương Thị Bích Hạnh cũng đã có báo cáo kiến nghị với UBND tỉnh Bình Dương tiếp xúc với doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng dịch bệnh để tháo gỡ khó khăn cho DN và người lao động (NLĐ). Đồng thời, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương kiến nghị Trung ương, Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN và chế độ chính sách đối với NLĐ do ảnh hưởng của dịch bệnh phải tạm ngưng sản xuất.
LĐLĐ cũng đề nghị khuyến khích các DN sử dụng NLĐ tại chỗ là NLĐ Việt Nam thay thế các chuyên gia nước ngoài. Khuyến khích các DN chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các thị trường khác ngoài Trung Quốc. Đồng thời, DN liên kết với các DN phụ trợ trong nước, trong tỉnh để tạo thành chuỗi sản xuất trong nước nhằm giảm bớt khó khăn, ổn định sản xuất.
Đà Nẵng: Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19
Thống kê mới nhất của Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu Công nghiệp (KCNC-KCN) Đà Nẵng cho biết: Đến thời điểm này, trên địa bàn TP.Đà Nẵng, có 2 doanh nghiệp là Công ty Việt Hồng và Công ty Khang Thông với khoảng 100 lao động ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Riêng Công ty Foster chuyên sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu giảm 520 lao động do không có đơn hàng. 55 doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động do người lao động (chưa có số liệu chính xác) xin tạm nghỉ việc để chăm con nhỏ nghỉ học.
Theo bà Lê Thị Ngọc Oanh - Phó Chủ tịch Công đoàn KCNC-KCN Đà Nẵng - do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động cầm chừng. Và khác với mọi năm, đầu năm nay gần như không có doanh nghiệp nào ở các KCN thông báo tuyển LĐ. H.V.M