Tuyến cáp quang biển Asia Pacific Gateway (APG) đã gặp sự cố vào lúc 15h ngày 26.7. Sự cố này đã khiến đường truyền Internet của người dùng trong nước tới các trang web quốc tế bị ảnh hưởng.
Sự cố xảy ra tại nhánh S3, cách trạm cập bờ Chongming, Trung Quốc 427 km. Hiện tại, một số dịch vụ truy cập Internet của người dùng Việt Nam sẽ bị chậm đi. Ngoài ra, việc đường dây APG không ổn định cũng sẽ tạo áp lực lên những tuyến cáp biển khác đi quốc tế.
Được biết, tuyến cáp quang APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom. Nó được đánh giá là có tốc độ đường truyền lớn và ổn định nhằm phục vụ người dùng Internet tại Việt Nam và một số quốc gia lân cận.
Tuy vậy, đây là lần thứ 2 tuyến cáp quang APG gặp sự cố trong năm 2022. Vào tháng 4 năm nay, tuyến cáp quang biển này đã gặp sự cố đứt sợi trên phân đoạn S1.7, cách khu vực Đông Nam Á khoảng 910km. Năm ngoái, tuyến cáp quang này cũng gặp sự cố tới 4 lần và mất nhiều tháng để sửa chữa, khôi phục.
Thông tin mới nhất, chiều 27.7, trao đổi với PV Báo Lao Động, Tập đoàn VNPT cho biết: Sự cố kỹ thuật của mạng cáp quang biển Asia Pacific Gateway (APG) đã làm ảnh hưởng đến dung lượng truy cập Internet quốc tế. Tại một số khu vực và một số thời điểm, các thuê bao Internet băng rộng VNPT và thuê bao di động VinaPhone có thể gặp khó khăn khi truy cập vào các trang web/ứng dụng quốc tế.
Sau khi phát hiện sự cố, VNPT đã nhanh chóng triển khai phương án nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới người dùng dịch vụ thông qua thực hiện định tuyến chuyển lưu lượng quốc tế sang hướng cáp khác, tối ưu các hệ thống kỹ thuật liên quan. VNPT đang tích cực phối hợp với các đối tác quốc tế để khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất. VNPT mong nhận được sự thông cảm và chia sẻ từ Quý Khách hàng.
Còn về phía nhà mạng Viettel, đơn vị này cho biết đang trong quá trình tổng hợp thông tin, đánh giá ảnh hưởng của sự cố tới chất lượng Internet của người dùng.
Tuyến cáp quang APG có chiều dài khoảng 10.400 km, với nhiều điểm kết nối các khu vực tại Châu Á. Với tổng dung lượng 54,8 Tb/s, được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12.2016, tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.